Với mục tiêu dạy học chuyển từ tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực, tích hợp sâu ở lớp dưới và phân hóa dần ở lớp trên. Điều này đòi hỏi giáo viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy để đáp ứng chương trình mới.
Làm rõ vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ – Tổng Chủ biên sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý cấp Tiểu học và THCS, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho biết dạy và học lịch sử theo định hướng tiếp cận năng lực được thực hiện trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của khoa học lịch sử.
“Giáo viên không đặt trọng tâm vào việc truyền đạt kiến thức lịch sử cho học sinh, mà chú trọng việc hướng dẫn học sinh nhận diện và khai thác các nguồn sử liệu. Từ đó, tái hiện quá khứ, nhận thức lịch sử, đưa ra suy luận, đánh giá về bối cảnh, nguồn gốc, sự phát triển của sự kiện, quá trình lịch sử để tìm kiếm sự thật lịch sử một cách khoa học, xây dựng và phát triển những năng lực chuyên môn của môn Lịch sử”, ông Nghiêm Đình Vỳ bày tỏ.
Ở đây, để định hướng phát triển năng lực, giáo viên phải giúp học sinh phát hiện và giải quyết vấn đề, làm việc theo nhóm. Chú ý việc sử dụng các phương tiện trực quan là hiện vật lịch sử, tranh ảnh lịch sử, bản đồ, biểu đồ, sa bàn, mô hình, phim tài liệu lịch sử.
Học sinh cần được hướng dẫn phương pháp tự học, biết cách tìm tòi, khai thác các nguồn sử liệu. Đồng thời, biết cách phân tích sự kiện, quá trình lịch sử và tự mình rút ra những nhận xét, đánh giá.
Để tăng sự hứng thú cho người học, cần phải mở rộng không gian dạy học, không chỉ trong lớp học mà còn trên thực địa. Việc kết hợp các thành tựu của khoa học giáo dục hiện đại, với việc sử dụng một cách tích cực các phương pháp của sử học, là chìa khóa thành công của quá trình dạy học lịch sử.
Ngoài ra, trách nhiệm giáo dục không chỉ ở nhà trường, theo chuyên gia cần kết hợp giữa giáo dục lịch sử trong nhà trường với gia đình và xã hội.
“Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội là nền tảng quan trọng để hình thành năng lực chuyên môn Lịch sử. Trong đó, nhà trường xây dựng và phát triển kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Gia đình và xã hội tạo điều kiện để học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng lịch sử vào những tình huống thực tiễn của cuộc sống”, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ cho hay.
Để thực hiện mục tiêu giáo dục của chương trình môn Lịch sử, cần coi trọng và phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội, ngay từ cấp tiểu học đến các cấp THCS và THPT ở những mức độ và hình thức khác nhau.
Cuối cùng là ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học lịch sử, khuyến khích học sinh tự tìm đọc, thu thập tư liệu lịch sử trên mạng Internet, trong thư viện để thực hiện các nghiên cứu cá nhân hoặc theo nhóm.
Ngoài giảng dạy, việc đánh giá kết quả giáo dục ở môn Lịch sử ở Chương trình GDPT 2018 cũng có nhiều thay đổi.
Việc đánh giá kết quả giáo dục cần được thực hiện trên các phương diện: các phẩm chất, năng lực chung và các năng lực chuyên môn Lịch sử; đánh giá quá trình, đánh giá cuối kỳ, cuối năm học, cuối cấp, đánh giá cấp quốc gia,…
Ông Nghiêm Đình Vỳ Cần lưu ý rằng: “Đánh giá năng lực và phẩm chất không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức lịch sử làm trung tâm của việc đánh giá.
Bên cạnh nội dung lý thuyết, coi trọng việc đánh giá các kỹ năng thực hành như làm việc với các nguồn sử liệu, bản đồ, atlat, biểu đồ, sơ đồ, bảng số liệu, tranh ảnh, quan sát; thu thập, xử lý và hệ thống hóa thông tin, sử dụng các dụng cụ học tập ngoài trời, sử dụng công nghệ và thông tin truyền thông trong học tập”.