Người đàn ông rơi vào hôn mê sau cú ngã thang
Theo báo Người Lao Động, người đàn ông 45 tuổi (ở Vĩnh Phúc) trèo thang cao 3m lắp bóng đèn nhưng không may bị ngã đập đầu xuống nền cứng. Sau khi đứng dậy, anh thấy người bình thường nên không đi khám.
Đến tối cùng ngày, ý thức bệnh nhân chậm chạp, khó tiếp xúc nên được đưa đến bệnh viện. Tại thời điểm được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh nhân đã trong tình trạng hôn mê.
Kết quả chụp sọ não phát hiện chảy máu ngoài màng cứng thái dương trái. Bác sĩ nhanh chóng phẫu thuật cấp cứu lấy máu tụ trong nội sọ. Sau mổ, người bệnh vẫn hôn mê sâu, thở máy, sốt cao liên tục, không đáp ứng các thuốc hạ sốt thông thường.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai – Trưởng khoa Hồi sức cấp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết bệnh nhân được hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não, kết hợp các kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu trong lĩnh vực hồi sức.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, người bệnh được rút nội khí quản, hết sốt. Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh táo, giao tiếp tốt, hoạt động nhẹ nhàng và được ra viện.
Từ trường hợp này, bác sĩ Mai khuyến cáo người dân không nên chủ quan với những tai nạn gây chấn thương ở vùng đầu. Những trường hợp té ngã gây máu tụ dưới màng cứng thường có các triệu chứng tăng dần như: đau đầu, nôn ói, yếu nửa người, yếu hai chi dưới, rối loạn vận động, rối loạn thị giác, thính giác, nói khó, ý thức chậm dần, lơ mơ, không tỉnh táo, phản xạ kém… Trường hợp nặng, người bệnh có thể rơi vào hôn mê, nguy cơ tử vong.
Nếu không may bị chấn thương do té ngã hoặc tai nạn, người dân cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được kiểm tra, chẩn đoán, can thiệp kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng, hạn chế di chứng sau điều trị.
Phẫu thuật cấp cứu cho nam bệnh nhân bị thủng dạ dày
Đại diện Trung tâm Y tế TP.Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, mới đây các bác sĩ của đơn vị vừa phẫu thuật cấp cứu cho nam bệnh nhân P.Đ (60 tuổi, trú tại phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) bị thủng dạ dày.
Cụ thể, bệnh nhân được đồng nghiệp đưa vào Trung tâm Y tế TP.Đông Triều trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng thượng vị, kèm buồn nôn. Ngay khi tiếp nhận ca bệnh, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành thăm khám, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết và chẩn đoán người bệnh bị thủng dạ dày.
Các bác sĩ nhận định, đây là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, cần phải phẫu thuật khẩn cấp để cứu người bệnh thoát nguy cơ tử vong do nhiễm trùng, nhiễm độc ổ bụng. Sau khi hội chẩn, bác sĩ Ngoại khoa và Khoa Phẫu thuật – Gây mê Hồi sức phối hợp thực hiện phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân.
Trong quá trình mổ, kíp phẫu thuật quan sát thấy có lỗ thủng ở mặt trước tiền môn vị, kèm giả mạc xung quanh và dịch đục lẫn thức ăn giữa các quai ruột nên tiến hành khâu và làm sạch ổ bụng cho bệnh nhân. Hiện, sau nhiều ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục nhanh chóng, theo báo Sức Khỏe & Đời Sống.
Theo bác sĩ CKI Nguyễn Văn Hùng ở khoa Ngoại Trung tâm Y tế TP.Đông Triều, thời gian gần đây, đơn vị tiếp nhận và xử trí nhiều trường hợp bị thủng dạ dày. Đây là bệnh cấp cứu nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên phần lớn do thủng ổ loét dạ dày tá tràng; ngoài ra còn có thể do chấn thương bụng, nuốt phải dị vật, khối u.
Do đó, khi có các dấu hiệu đau bụng đột ngột dữ dội, bụng co cứng, nôn hoặc buồn nôn, bí trung đại tiện, sốt…, người bệnh cần phải đến ngay cơ sở y tế thăm khám, điều trị sớm, tránh chủ quan dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Nguyên nhân khiến bé 20 tháng tuổi bị khò khè, khó thở
Theo Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp bị nhầm lẫn là hen suyễn do vòng mạch quấn chèn khí phế quản gây khó thở.
Cụ thể, bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho hay, bệnh nhi là L.T. H.A. (20 tháng tuổi, ngụ tại Long Xuyên, Long An) nhập viện trong tình trạng khò khè, khó thở.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, 3 tháng nay, trẻ nhiều lần nhập viện địa phương cũng do triệu chứng trên. Bệnh nhi được chẩn đoán bị hen phế quản trung bình – nặng. Bệnh nhi được điều trị cắt cơn với thuốc giãn phế quản khí dung, truyền tĩnh mạch, kháng viêm và phòng ngừa bằng corticoid dạng hít và montelukast uống.
Lần này, bệnh nhi bệnh 5 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, ho, sổ mũi, khò khè thở mệt, ói. Bệnh nhi được đưa tới bệnh viện tư tại địa phương điều trị nhưng tình trạng bệnh không bớt nên được chuyển tới viện địa phương với chẩn đoán cơn hen phế quản nặng, điều trị thở oxy, cắt cơn với thuốc giãn phế quản khí dung, kháng viêm và sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bệnh nhi tiếp tục được điều trị cơn hen phế quản nặng. Tình trạng bệnh nhi có cải thiện nhưng vẫn khò khè nên được hội chẩn chụp CT scan ngực có cản quang.
Kết quả ghi nhận khí quản gốc chỗ chia đôi phế quản phải trái (carina) của bệnh nhi có động mạch phổi trái vòng qua phải ôm lấy rồi đi qua phổi trái gây chèn ép đường thở.
Các bác sĩ chuyên khoa Ngoại lồng ngực đã nhanh chóng tiến hành mổ đưa động mạch phổi trái về vị trí bình thường, khâu treo carina, phế quản gốc trái tránh mạch máu chèn.
“Sau gần 2 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, trẻ được cai được máy thở, thở khí trời, hết khò khè và tỉnh táo”, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố thông tin.