Thuật toán TikTok đưa người dùng tới vô thức lướt video đến khi kiệt sức

Theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường DataReportal, số người dùng TikTok tại Việt Nam là 49,9 triệu tài khoản, trong đó có tới 4 triệu người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên chế độ kiểm duyệt nội dung của TikTok cho nhóm người dùng đặc biệt này gần như không hoạt động, thậm chí các nội dung 18+ còn chiếm phần lớn các video được gợi ý.

TikTok mặc định gợi ý nội dung 18+ cho người dùng

Để thử nghiệm tính năng chặn nội dung không phù hợp với người dùng vị thành niên (dưới 16 tuổi) trên TikTok, VTC News đã tạo một tài khoản với thiết lập ở độ tuổi 13 theo như khuyến cáo của mạng xã hội này. Thế nhưng ngay khi sau khi đăng nhập video đầu tiên được gợi ý lại là của một diễn viên phim người lớn, kế đến là video với những lời lẽ dung tục cổ súy lối sống lệch lạc.

Điều đáng nói là sau gần 20 phút lướt các video được TikTok gợi ý cho tài khoản “13 tuổi” của VTC News , không có bất cứ video nào phù hợp với lứa tuổi người dùng xuất hiện. Thay vào đó đều là những video có nội dung độc hại, nhún nhảy khêu gợi hoặc những content “bẩn” vốn đang tràn lan trên TikTok.

Thuật toán TikTok đưa người dùng tới vô thức lướt video đến khi kiệt sức - Ảnh 1.

Video được gợi ý trên trang “Dành cho bạn” của người dùng 13 tuổi sau khi lập tài khoản và chưa có hoạt động trước đó. (Ảnh: Trà Khánh)

Trong khi đó, ở mục “Tìm kiếm” “Dành cho bạn” , khi thực hiện tìm kiếm một số từ khóa và nội dung được cảnh báo có bị chặn giới hạn độ tuổi hay không. Kết quả TikTok vẫn hiệu thị và cho ra các kết quả tìm kiếm tương ứng với từ khóa.

Bạo lực, cờ bạc và khiêu dâm dường như không nằm trong số nội dung bị TikTok coi là không phù hợp với vị thành niên, thậm chí được TikTok chủ động đề xuất đến tài khoản nhỏ tuổi.

Thậm chí phóng viên VTC News dù thử lập mới nhiều tài khoản khác nhau trên máy tính và điện thoại thông minh kết quả nhận được vẫn không thay đổi, kể cả khi người dùng không đăng nhập thì video đầu tiên được gợi ý vẫn là những nội dung khiêu dâm.

Ngay từ năm 2022, TikTok cho biết đã áp dụng một hệ thống xếp hạng nội dung để ngăn nội dung dành cho người lớn tiếp cận người dùng nhỏ tuổi. Theo đó, với người dùng từ 13-17 tuổi, một số video TikTok sẽ chỉ hiển thị màn hình đen cùng với thông báo “Bài đăng không khả dụng” và “Bài đăng được chặn theo độ tuổi”.

“Thông tin ngày sinh chính xác giúp đảm bảo các thành viên cộng đồng có trải nghiệm phù hợp với lứa tuổi”, trang dành cho cha mẹ và người giám hộ của TikTok hướng dẫn. Tuy nhiên TikTok không hề nêu rõ những nội dung nào được coi là không phù hợp với trẻ em.

Theo khảo sát của Trung tâm Chống lại sự căm ghét kỹ thuật số (CCDH) thực hiện trên các tài khoản 13 tuổi tại Mỹ, Anh, Canada và Australia, TikTok gợi ý của những người dùng nhỏ tuổi tuổi tràn ngập nội dung có hại, có thể có tác động đáng kể đến sự hiểu biết về thế giới xung quanh, sức khỏe thể chất và tinh thần.

Khảo sát này cũng cho thấy khi tài khoản vị thành niên thường đặt tên bao gồm các từ khóa thể hiện sự tự ti về cơ thể, TikTok sẽ gợi ý các nội dung về rối loạn ăn uống và tự làm hại bản thân nhiều hơn nữa so với tài khoản có tên thông thường.

Tìm hiểu thêm:  Đi họp lớp sau 25 năm ra trường, tôi quyết không tham dự buổi họp lớp một lần nào nữa, xóa liên lạc với 2 KIỂU bạn bè
Thuật toán TikTok đưa người dùng tới vô thức lướt video đến khi kiệt sức - Ảnh 2.

“Hướng nghiệp”, “dạy học” là một trong những nội dung ảnh hưởng đến người dùng nhỏ tuổi, được ghi nhận và cảnh báo nhưng TikTok không gỡ bỏ.

Tràn lan nội dung độc hại

Không khó để nhận thấy những xu hướng phổ biến và được lan truyền nhiều nhất trên Tiktok chính là những nội dung có thể mang đến nhiều yếu tố kích thích về mặt cảm xúc nhất. Chẳng hạn như hỉ nộ ái ố mang theo nhiều trạng thái cảm xúc để khi được đẩy lên cao trào sẽ mang đến sự lôi cuốn, đồng cảm và chia sẻ.

Việc mải mê chạy theo những trào lưu, xu hướng (trend) trên TikTok khiến không ít người dùng trẻ tìm kiếm sự thỏa mãn trên mạng xã hội này, dần ảo tưởng về chính mình và bất chấp tất cả, thậm chí là sức khỏe, tính mạng để “câu” view, tăng tương tác. Thực trạng này từng được nhiều chuyên gia cảnh báo kể từ khi TikTok chính thức lấn sân thành nền tảng thu hút hàng đầu của giới trẻ.

Sự lan tỏa quá nhanh của TikTok lại như con dao hai lưỡi với không ít người dùng. Mặc dù mạng xã hội có những quy định về nội dung và thực hiện việc kiểm duyệt hàng triệu video vi phạm nhưng những trào lưu độc hại hoặc thông tin mang tính kích động bạo lực, khiêu dâm, tự gây hại… vẫn xuất hiện tràn lan mà TikTok không thể kiểm soát.

Một số trào lưu nguy hiểm từng xuất hiện trên TikTok có thể kể đến như Veneer Vlog (mài răng), Benadryl Challenge (uống thuốc dị ứng để tạo ảo giác). Nhiều bạn trẻ cho rằng Benadryl vô hại, thế nhưng, những loại thuốc này còn có nhiều tác dụng phụ khác, có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng. Hay nguy hiểm hơn là Penny Challenge – cắm hờ sạc điện thoại vào ổ điện, thả đồng xu vào khe hở để tạo tia lửa…

Theo New York Post , trong năm 2021, TikTok đã phải xóa các nội dung chứa hastag #milkcratechallenge. Thử thách yêu cầu người dùng xếp các thùng sữa bằng nhựa theo hình kim tự tháp và cố giữ thăng bằng khi trèo lên đỉnh, sau đó bước xuống mà không bị ngã. Thực tế, hầu hết người tham gia đều ngã và nhiều người bị thương trong quá trình thực hiện.

Các trào lưu trên TikTok ở Việt Nam cũng độc hại không kém so với trên thế giới và chúng hoàn toàn có thể khiến người dùng gặp rắc rối như “giả làm người thân trêu đùa trẻ em”, “hướng nghiệp, chọn ngành học”, “săn mây trên máy bay”, “đúng nhận, sai cãi”, “bữa cơm 5 ngàn” và hàng trăm trào lưu phản cảm khác.

Có thể thấy đối tượng sử dụng mạng xã hội TikTok đa phần là những người trẻ, thanh thiếu niên đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện nhận thức, dễ bị thu hút bởi những nội dung mới, lạ, độc, thậm chí là quái gở, phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức. Với thuật toán của TikTok, video càng thu hút nhiều người xem, những nội dung này lại càng được đề xuất, lên xu hướng, rồi nghiễm nhiên trở thành trào lưu.

Từ đây, giới trẻ lại tiếp thu và làm theo, đu theo xu hướng một cách mù quáng khiến cho những trào lưu vô thưởng vô phạt, thậm chí độc hại có cơ hội phổ biến nhiều hơn. Hậu quả là có không ít trẻ em là nạn nhân “nhiễm độc” thụ động từ chính những trào lưu độc hại trên TikTok.

Tìm hiểu thêm:  Đêm Halloween: Giới trẻ lại thích thú tham gia trò chơi truyền thống, khách Tây hào hứng hoá trang khắp phố

Hiện tại, TikTok cũng như phần lớn các mạng xã hội ngày nay đều quy định người dùng phải đủ 13 tuổi mới có thể đăng ký và mở tài khoản. Tuy nhiên, các nền tảng này không có biện pháp đủ mạnh để xác định độ tuổi thực của người dùng. Do đó, trẻ em dưới 13 tuổi đều có thể dễ dàng đăng ký tài khoản để sử dụng.

Tạm thời, đại diện TikTok cho biết, họ đã bổ sung các biện pháp an toàn và quyền riêng tư mới nhằm bảo về người dùng tuổi vị thành niên như tắt các tính năng thông báo vào ban đêm hay loại bỏ nhắn tin trực tiếp với trẻ em.

Thuật toán TikTok đưa người dùng tới vô thức lướt video đến khi kiệt sức - Ảnh 3.

Những trào lưu phản cảm xuất hiện tràn lan trên TikTok trong khi người dùng đa phần là những người trẻ, thanh thiếu niên đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện nhận thức.

Thuật toán gây nghiện

Hiện tại, TikTok đang là mạng xã hội tăng trưởng người dùng nhanh nhất hiện nay và đã cán mốc hơn 1 tỷ người dùng mỗi tháng. TikTok chỉ xếp sau Facebook về số người dùng hàng tháng trên các nền tảng trực tuyến. Thậm chí, TikTok đã vượt qua Google để trở thành tên miền có lượng truy cập nhiều nhất thế giới từ năm 2021. Tuy nhiên, tăng trưởng nóng luôn đi kèm với mặt trái.

Mấu chốt trong thành công của TikTok không phải là những video ngắn mà thực chất nằm ở thuật toán đề xuất nội dung do Bytedance – công ty mẹ của TikTok phát triển.

Bằng thuật toán đề xuất “kỳ diệu” của TikTok người dùng vô thức lướt qua hết video này đến video khác mà không thể ngừng lại, thậm chí nó còn có khả năng “huấn luyện” bộ não chúng ta thực hiện hành động này. Không phải ai cũng có ý thức đủ mạnh để thoát khỏi vòng lặp này.

Thuật toán của TikTok khiến bạn không thể rời mắt khỏi màn hình điện thoại và để thời gian trôi qua một cách vô nghĩa.

Nội dung hiển thị trên phần “Dành cho bạn” của TikTok cũng rất khác với nội dung hiển thị trên các nền tảng mạng xã hội khác. Không cần đăng nhập, theo dõi hay kết bạn, người dùng vẫn có thể lướt TikTok cả ngày mà không hết nội dung. Chỉ khi có nhu cầu tương tác nhiều hơn với các video, TikTok mới yêu cầu người dùng phải đăng ký tài khoản.

Thuật toán đề xuất của TikTok hiện tại thông minh đến mức không chỉ biết bạn đang muốn xem gì, mà còn biết rằng bạn sẽ muốn tìm kiếm và xem những gì tiếp theo. Điều này tương tự như việc bạn đang chơi cờ với TikTok và ứng dụng này dự đoán trước khoảng 10 nước đi tiếp theo của bạn.

Vì sao thuật toán Tiktok có thể hiểu sâu người dùng đến như vậy mà những nền tảng khác khó làm điều tương tự hơn? Một trong những yếu tố quan trọng có thể kể đến đó là định hướng ngay từ đầu của nền tảng. Khi độ dài trung bình của một video trên Youtube là khoảng 11-12 phút, thì độ dài lý tưởng của 1 video TikTok là khoảng 21-34 giây. Tức là khi bạn xem hết 1 video Youtube, thì cùng thời gian đó bạn đã lướt qua 25 video TikTok.

Hầu hết người dùng đều có nhận xét rằng khi sử dụng TikTok họ không thể rời mắt khỏi nó và thời gian cứ thế trôi đi. Đến một lúc nào đó người dùng sẽ dừng lại khi các video không còn đủ hấp dẫn như thể TikTok muốn bạn được nghỉ ngơi sau vài giờ “làm việc” quá sức.

Trong một báo cáo khoa học được công bố vào tháng 9/2022, một nhóm nghiên cứu của ByteDance cho biết rằng thuật toán họ tạo ra trên TikTok là dựa trên hành vi của người dùng theo thời gian thực. Chưa hết, họ còn đưa ra cách hệ thống làm việc và lý do tại sao nó nhanh, chính xác, và luôn cập nhật thay đổi theo người dùng.

Tìm hiểu thêm:  Giới trẻ Trung Quốc áp dụng triết lý sống 'thả lỏng' để chống lại áp lực từ văn hóa làm việc '996'

Còn theo một nghiên cứu trên ứng dụng Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc), đã xem xét các video ngắn ảnh hưởng như thế nào đến bộ não của sinh viên đại học ở Trung Quốc. Kết quả cho thấy những video phù hợp với sở thích của người xem có thể kích hoạt trung tâm hệ thống thưởng của não.

Hệ thống thưởng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong định hình cảm xúc và điều hướng hành động của con người, có chức năng tạo ra những cảm giác sung sướng và ham muốn.

Tiến sĩ Justin Shleifer là bác sĩ tâm thần trẻ em và vị thành niên tại Bệnh viện Bradley cho biết: “Chúng ta gần như bị các ứng dụng này điều chỉnh hành vi để có được sự hài lòng ngay lập tức”.

“Mặc dù sự hài lòng ngay lập tức nghe có vẻ tuyệt vời, nó có thể gây ảnh hưởng đến não bộ vài giờ sau khi bạn thoát khỏi ứng dụng” , ông Shleifer nói thêm.

Thuật toán TikTok đưa người dùng tới vô thức lướt video đến khi kiệt sức - Ảnh 4.

Logo ứng dụng TikTok phía trước một nội dung vi phạm trên nền tảng mạng xã hội này.

Có bao nhiêu quốc gia đang cấm TikTok?

Ngày 4/4, chính phủ Australia đã ban hành lệnh cấm sử dụng cũng như cài đặt TikTok trên tất cả thiết bị sử dụng cho công việc của chính phủ. Nguyên nhân là nước này lo ngại rò rỉ dữ liệu người dùng kéo theo những rủi ro đối với an ninh quốc gia.

Với quyết định này, Australia sẽ trở thành thành viên cuối cùng của liên minh an ninh tình báo Ngũ Nhãn (bao gồm Mỹ, Anh, Canada và New Zealand) thực hiện lệnh cấm TikTok trên các thiết bị công vụ.

Trước đó, kể từ tháng 11/2022, hơn 20 bang tại Mỹ đã cấm TikTok trên các thiết bị do chính phủ cấp phát và nhiều đại học cũng chặn TikTok khỏi mạng wifi trong khuôn viên trường. Ứng dụng này cũng đã bị cấm trên các thiết bị của chính phủ Mỹ được sử dụng bởi quân đội nước này.

Lý giải lệnh cấm, phía Washington bày tỏ nghi ngờ ứng dụng này có liên quan đến việc dữ liệu người dùng Mỹ lọt vào tay chính phủ Trung Quốc.

Hiện tại, TikTok thậm chí còn có nguy cơ bị chặn hoàn toàn tại Mỹ nếu ByteDance không chịu bán cổ phần. Dù đã có cơ hội xóa bỏ nguy cơ thông qua các phiên điều trần, phần thể hiện của CEO Shou Chew có vẻ như không làm hài lòng các quan chức Mỹ.

Trong gần 5 giờ, các nghị sĩ Mỹ liên tục chất vấn CEO TikTok về an ninh quốc gia cũng như các vấn đề khác của ứng dụng này tại Mỹ. Tuy nhiên, ông Chew chỉ có thể bác bỏ các cáo buộc TikTok chia sẻ dữ liệu theo yêu cầu của Bắc Kinh, nhưng lại không thể trả lời rõ ràng để giải tỏa mối quan ngại của giới lập pháp.

Trao đổi với ABC News, Chủ tịch Ủy ban về Trung Quốc của Hạ viện Mỹ Mike Gallagher cho biết: “Thay vì xoa dịu những lo ngại của các nhà lập pháp, sự hiện diện của ông Chew trước Quốc hội lại gia tăng khả năng cấm ứng dụng TikTok”.

Trước đó, tại những quốc gia châu Á như Bangladesh, Indonesia hay Ấn Độ, TikTok cũng bị cấm với lý do thu thập thông tin trái phép, nội dung độc hại và gây chết người.

Cụ thể, đầu tháng 7/2018, chính quyền Indonesia đã đưa ra lệnh cấm ứng dụng chia sẻ video ngắn này do chứa nhiều nội dung khiêu dâm và không phù hợp. Giữa tháng 2/2019, TikTok tiếp tục bị cấm ở Bangladesh vì thu thập trái phép thông tin của người dùng là trẻ em.

Năm 2020, TikTok đã bị gỡ bỏ trên nền tảng Google Play và App Store ở Ấn Độ do không phù hợp với văn hóa nước này cũng như là nguyên nhân dẫn đến một số cái chết thương tâm.

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x