Khám phá các làng du lịch gốm ở Việt Nam không chỉ là một hành trình trải nghiệm hấp dẫn để du khách hiểu thêm về lịch sử và truyền thống của những làng nghề gốm lâu đời, mà còn được chiêm ngưỡng khung cảnh bình yên, đầy thú vị hay tự tay tạo nên những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo.
Không chỉ gắn liền với những dấu ấn lịch sử, trong những bước đi thăng trầm của thời cuộc mà các làng du lịch gốm ở Việt Nam hiện tại vẫn đang tồn tại, phát triển mang đến những lợi ích thiết thực cho đời sống. Đến các làng gốm ở Việt Nam là một ý tưởng tuyệt vời cho những tín đồ xê dịch ưa thích khám phá những giá trị và vẻ đẹp truyền thống đặc trưng của đất nước, các làng gốm này sẽ mang đến cho du khách những ấn tượng khó quên về nghề sản xuất gốm truyền thống với tuổi đời hàng trăm năm.
Bật mí những làng du lịch gốm ở Việt Nam nổi tiếng nhất định phải ghé
1. Làng gốm Bát Tràng
Làng gốm Bát Tràng ở thôn Giang Cao và thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng huyện Gia Lâm, Hà Nội, là một trong những làng du lịch gốm ở Việt Nam vô cùng nổi tiếng và có lịch sử lâu đời bậc nhất.
Theo đó, làng nghề này có lịch sử hình thành từ thời nhà Lý và vẫn luôn tồn tại phát triển cho đến tận ngày nay, trở thành một điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách khi đến với ngoại thành Hà Nội.
Đến với làng gốm cổ Bát Tràng, du khách sẽ được ngắm nhìn những công trình kiến trúc độc lạ với vẻ đẹp cổ kính đặc trưng như nhà cổ Vạn Vân với tuổi đời hơn 200 năm, được ví von tựa như một tuyệt tác nghệ thuật khiến người ta phải trầm trồ hay đình làng Bát Tràng, nơi để thờ Thành Hoàng làng và cũng là địa điểm tổ chức các lễ hội lớn của làng.
Ngoài ra, vi vu ở làng gốm Bát Tràng du khách đừng bỏ qua bảo tàng gốm Bát Tràng, là nơi trưng bày và lưu giữ bộ sưu tập gốm đồ sộ. Thiết kế của bảo tàng này cũng vô cùng đặc biệt với 7 khối vòng xoay theo kiểu xoắn ốc lớn, là hình ảnh tượng trưng cho 7 bàn tay đang xoay vuốt gốm. Ở làng gốm Bát Tràng còn có một lò bầu cổ cuối cùng vẫn đang còn tồn tại với 5 bầu nung có tuổi đời đã gần một thế kỷ.
Ngoài tham quan, khám phá và tìm hiểu về nghề làm gốm thì khi đến với làng du lịch gốm ở Việt Nam này, du khách đừng bỏ qua cơ hội tự tay làm những sản phẩm gốm và men sứ độc đáo để mang về như một món quà lưu niệm.
Hiện tại, làng gốm cổ Bát Tràng sẽ không thu phí vào cửa du khách trong quá trình tham quan, khám phá. Nếu như muốn mua sắm, thưởng thức các món ăn hoặc tham gia các hoạt động trải nghiệm thì có thể trả các khoản chi phí riêng.
2. Làng gốm cổ Kim Lan
Không quá nổi tiếng như Bát Tràng nhưng Kim Lan cũng là một trong những làng du lịch gốm ở Việt Nam được nhiều người biết đến. Làng gốm cổ này nằm ở xã Kim Lam, huyện Gia Lâm, cách làng gốm Bát Tràng chỉ một dòng kênh Bắc Hưng Hải.
Theo các tư liệu lịch sử thì làng gốm này còn phát triển trước cả Bát Tràng và là nơi hội tụ đầy đủ các tài nguyên văn hóa, du lịch tự nhiên đầy ấn tượng. Ngôi làng tọa lạc ở một vùng đất cổ, nơi mang trong mình những dấu ấn lịch sử rất đặc trưng với nơi thờ Triệu Đà hay câu câu chuyện huyền tích về Chử Đồng Tử và Tiên Dung…
Nghệ nhân của làng gốm Kim Lan đến từ nhiều vùng khác nhau như Hà Nội, Phù Lãng, Bát Tràng, Bắc Ninh…chính vì vậy, sản phẩm ốm ở nơi đây cũng rất phong phú. Ngôi làng còn được biết đến là nơi sản xuất những sản phẩm gốm gia dụng của kinh thành Thăng Long xưa.
Lò nung ở ngôi làng này thường có đặc điểm là tương đối bé và các sản phẩm gốm sẽ không có cầu kỳ về chi tiết, mà đề cao sự tiện dụng, chủ yếu phục vụ cho đời sống hàng ngày. Du khách đến đây có thể dễ dàng nhìn thấy những sản phẩm gốm phổ biến như chậu cảnh, lư hương, vại, gốm, chén bát, ống đựng tăm…
Trong lịch sử phát triển của mình, làng gốm cổ Kim Lang đã từng trải qua nhiều thăng trầm và đôi khi bị lãng quên. Tuy nhiên thời gian gần đây ngôi làng cũng đang dần được phục hồi và trở thành điểm đến ưa thích của du khách bên cạnh làng gốm Bát Tràng.
3. Làng gốm Hương Canh
Với lịch sử hơn 300 năm, làng gốm Hương Canh là một trong những làng du lịch gốm ở Việt Nam hấp dẫn để du khách tìm đến. Theo đó, làng nghề này nằm ở xóm Lò Cang của thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ cách trung tâm Hà Nội 50 km.
Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay làng gốm cổ này vẫn giữ được nghề truyền thống với những nét đặc trưng rất riêng. Tạo hóa đã ban tặng cho nơi đây nguồn tài nguyên đất sét xanh với độ mịn, dẻo rất cao, lại ít tạp chất. Cùng với đó, là người dân nơi đây vẫn giữ được những nét tinh túy xưa với các kỹ thuật được truyền nối qua nhiều đời, chính vì vậy các sản phẩm mang đặc trưng của thương hiệu gốm Hương Canh đều mang nét đặc trưng rất riêng khó pha trộn.
Ghé thăm làng gốm Hương Canh, du khách sẽ được khám phá những di sản văn hóa độc đáo như di tích đình Hương Canh, tận hưởng bầu không khí bình yên trong lành của làng quê, trải nghiệm làm gốm…
3. Làng gốm Phước Tích
Làng du lịch gốm ở Việt Nam Phước Tích cũng là một điểm đến vô cùng hấp dẫn. Ngôi làng này thuộc địa phận của thôn Phước Phú, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền của tỉnh Thừa Thiên Huế, chỉ cách trung tâm thành phố 40 km.
Làng gốm cổ Phước Tích có lịch sử từ rất lâu đời, xuất hiện từ những năm 1470 dưới thời vua Hồng Đức. Ngày đó vì không có ruộng nên người dân ở trong làng làm gốm để mưu sinh và tên gọi Phước Tích được chính vua Gia Long đặt cho.
Gốm ở ngôi làng này thường được nung theo phương pháp truyền thống và các sản phẩm của làng nghề từ lâu vẫn nổi tiếng bởi độ bền, màu sắc và kiểu dáng ấn tượng. Trong quá khứ, làng gốm Phước Tích từng có một thời vô cùng hưng thịnh, lò gốm đỏ lửa ngày đêm, các sản phẩm gốm đi khắp nơi mang lại sự giàu có trù phú cho vùng đất.
Đặc biệt, sản phẩm của làng gốm còn được tiến vua, nổi bật là những chiếc om để nấu cơm. Trong lịch sử của mình, làng gốm Phước Tích cũng có giai đoạn bị lãng quên và tắt lửa, tuy nhiên hiện tại ngôi làng đã là một điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách và các lò gốm cũng hoạt động trở lại với những sản phẩm gốm tinh tế. Du khách đến đây có thể tìm hiểu về kỹ thuật làm gốm đặc trưng của người dân làng Phước Tích và trải nghiệm các hoạt động thú vị.
5. Làng gốm Thanh Hà
Du lịch Hội An, hẳn rằng làng gốm Thanh Hà là điểm dừng chân quen thuộc đối với nhiều du khách. Ngôi làng tọa lạc bên sông Thu Bồn, với lịch sử hơn 500 năm hình thành và phát triển. Thời kỳ hoàng kim nhất của làng nghề là những năm thế kỷ thứ XVI đến thế kỷ thứ XVII, các sản phẩm gốm của làng rất nổi tiếng và còn được dùng để tiến vua.
Theo thời gian làng gốm cũng trải qua nhiều thăng trầm và sóng gió, bằng tâm huyết cũng như lòng yêu nghề của các nghệ nhân, làng gốm Thanh Hà Hiện tại đã sống lại và giữ được hồn cốt của làng gốm xưa.
Hiện tại, nơi đây đã trở thành một làng du lịch gốm ở Việt Nam nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tìm đến để tìm hiểu về quy trình làm gốm truyền thống của làng nghề và tự tay tạo nên những sản phẩm gốm đặc trưng.
6. Làng gốm Bàu Trúc
Bình Thuận nổi tiếng với làng gốm Bàu Trúc, được biết đến là một trong những ngôi làng gốm cổ nhất hiện nay ở Đông Nam Á. Người dân nơi đây vẫn còn lưu giữ nghề làm gốm truyền thống với phương thức thủ công hoàn toàn, mang những nét đặc trưng của đồng bào Chăm bản địa.
Ngôi làng nằm ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Nơi đây có cánh đồng nằm bên bờ sông Quao, nơi có loại đất sét nổi tiếng với độ dẻo, mịn rất đặc biệt thường được người dân sử dụng để làm gốm. Gốm ở đây hoàn toàn được làm bằng tay chứ không dùng bàn xoay, vì vậy sản phẩm thể hiện những nét rất riêng tinh tế và kỹ lưỡng.
Gốm thô sau khi được tạo hình, phơi nắng thì sẽ làm láng và nung lộ thiên, tạo nên màu sắc đặc trưng. Sau khi nung từ 4 giờ đến 5 giờ, sẽ được lấy ra phun màu từ dầu hạt điều và cây vông, sau đó lại đem nung tiếp để màu thấm vào gốm. Chính cách làm đặc biệt này đã mang đến cho gốm Bàu Trúc những sắc màu rất riêng như vàng đỏ, đỏ hồng, đen, xám hay những vết nâu lạ đặc trưng.
Du khách đến đây có thể chiêm ngưỡng các sản phẩm gốm đa dạng như lu nước, chậu, ấm, ly, các bức phù điêu, nồi… Năm 2017, nghệ thuật làm gốm đặc trưng của làng Bàu Trúc đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và vào năm 2022 UNESCO cũng đã đưa vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ.
7. Làng gốm Vĩnh Long
Nói đến những làng du lịch gốm ở Việt Nam nổi tiếng thì hẳn rằng làng gốm Vĩnh Long sẽ là một cái tên không thể bỏ qua. Ngôi làng này nằm ở bên bờ sông Cổ Chiên đến sông Măng Thít, thuộc xã Nhơn Phú và Mỹ An của huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Làng gốm này đã có tuổi đời hàng trăm năm và những sản phẩm từ đây cũng đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.
Men theo dòng sông Cổ Chiên, du khách có thể nhìn thấy những lò nung của làng gốm với màu đỏ au, tựa như những cây nấm dần hiển hiện trước mắt. Tại đây, các lò gạch và lò gốm được nằm rất gần nhau, từ đó mang đến một khung cảnh vô cùng ấn tượng và thi vị.
Ở làng gốm Vĩnh Long hàng nghìn lò nung luôn đỏ lửa quanh năm, đồng thời số lượng các ghe chở hàng và nguyên liệu ra vào liên tục kín cả dòng Cổ Chiên, Mang Thít và kênh Thầy Cai. Chính vì vậy nơi đây vẫn được biết đến với danh xưng “vương quốc đỏ” của miền Tây.
Các sản phẩm của làng nghề gốm này rất đa dạng như gạch, ngói, bát, đĩa, chén, vại… Đến với làng gốm này và đạp xe ngắm cảnh, du khách sẽ được ngắm nhìn khung cảnh của những lò gạch đỏ tuyệt đẹp nhuốm màu thời gian, đồng thời ở đây cũng là một trong những địa điểm check in tuyệt đẹp mang những dấu ấn rất riêng của làng nghề.
Những làng du lịch gốm ở Việt Nam hiện tại vẫn đang tiếp tục kế thừa và phát triển những tinh hoa từ thời cha ông. Giữa dòng chảy của thời cuộc, dù lúc hưng thịnh hay cả những lúc suy tàn thì những làng gốm vẫn luôn có những con người vì văn hóa của dân tộc mà không ngừng duy trì, phát triển những sản phẩm gốm của quê hương mình. Cũng chính vì vậy, việc trải nghiệm khám phá các làng nghề gốm sẽ là một hành trình đặc biệt, đưa du khách trở về với ký ức, tìm hiểu về một ngành nghề truyền thống mang đầy dấu ấn văn hóa, lịch sử của đất nước.
Hồng Thọ – dulichvietnam.com.vn
Ảnh: Internet