Với học sinh không vận động trong hàng giờ đồng hồ trong điều kiện máy lạnh phả vào người sẽ dễ bị bệnh. Làm gì để phòng tránh?
Gửi thắc mắc của mình đến Tuổi Trẻ Online, bạn đọc Võ Anh Tuấn cho rằng hiện thời tiết nắng nóng, máy lạnh rất có tác dụng đối với mọi người nhằm điều hòa nhiệt độ. Tuy nhiên mặt trái của máy lạnh trong lớp học là làm cho học sinh sốt, viêm mũi, viêm họng.
Sử dụng máy lạnh làm sao hợp lý, sau đây là ý kiến của bạn đọc Võ Anh Tuấn và lời khuyên của bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga, Bộ Quốc phòng.
Nhiều học sinh đổ bệnh vì ngồi phòng máy lạnh?
Tôi có anh bạn là phụ huynh của một học sinh lớp 9 ở TP.HCM. Gần đây, anh thường than phiền về việc máy lạnh ở lớp con anh lạnh quá khiến cháu cứ sốt hoài.
Hôm nào sốt cao thì anh đưa đi bệnh viện khám, sốt nhẹ thì đi học. Khám lần nào cũng thấy kết luận là viêm mũi, viêm họng.
Anh cho biết không chỉ mình con anh mà các cháu khác trong lớp của con anh cũng bị vậy. Hơn mười ngày nay, lớp của cháu cứ 2-3 bạn nghỉ học một buổi. Có hôm 4-5 bạn nghỉ học. Cuối tháng 10-2024, lớp của cháu có tổng cộng 91 lượt học sinh nghỉ học, chủ yếu dồn về cuối tháng.
Anh và một số phụ huynh khác đã trao đổi với thầy chủ nhiệm, đề nghị tăng nhiệt độ máy lạnh lên. Thầy giáo tiếp nhận đề nghị nhưng tình trạng vẫn không thay đổi.
Cách đây vài hôm, anh than phiền rằng có ý kiến một phụ huynh nói khác là thấy đâu có lạnh đâu mà phụ huynh than phiền và muốn tăng nhiệt độ lên.
Anh rất không hài lòng với nhận xét đó. Vì anh cho rằng phụ huynh chỉ ở trong lớp 1-2 tiết khi họp lớp. Với thầy cô khi ở trong lớp thì có hoạt động đi lại, nói năng giảng bài… nên không thấy lạnh, còn học sinh ngồi yên một chỗ.
Không vận động trong hàng giờ đồng hồ trong điều kiện máy lạnh phả vào người thì không bệnh sao được.
Anh bạn tôi giải thích như vậy là hợp lý.
Không nên ngồi máy lạnh quá 4 tiếng
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga, Bộ Quốc phòng, cho biết việc ngồi điều hòa quá lâu, sử dụng điều hòa không đúng cách có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Bác sĩ Hoàng cho rằng nhiệt độ ở trong phòng điều hòa chỉ nên đặt 25 độ C đến 28 độ C, nếu đặt nhiệt độ quá thấp cũng không tốt cho trẻ.
Bên cạnh đó, việc đặt chế độ gió điều hòa, quạt bổ sung để không hợp lý cũng có thể dẫn đến việc trẻ nhiễm hơi lạnh. Đối với những trẻ có đề kháng không tốt sẽ ảnh hưởng đến đường hô hấp gây viêm mũi, viêm họng.
Việc ngồi trong phòng máy lạnh quá lâu, ngồi cả ngày không ra khỏi phòng hoặc điều hòa bật liên tục cũng không tốt. Nên có những quãng nghỉ, để đưa “không khí tươi” vào phòng.
Ngoài ra, việc trẻ mắc các đường hô hấp, viêm mũi, viêm họng không chỉ do điều hòa mà còn do nhiều yếu tố khác như vận động, ăn uống, thời tiết giao mùa…
Theo bác sĩ Hoàng, nếu trong lớp học quá chật, quá đông học sinh, không ăn uống dinh dưỡng hợp lý, ít vận động… cũng dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp của học sinh cao hơn.
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo, để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe khi ngồi điều hòa, đầu tiên không nên để điều hòa ở nhiệt độ quá thấp và không nên ngồi trong phòng điều hòa quá lâu.
Thông thường chỉ nên ngồi khoảng 3-4 tiếng, sau đó có khoảng nghỉ để thay đổi không khí tươi trong phòng.
Trong một số trường hợp bắt buộc phải dùng điều hòa quá lâu thì nên có biện pháp cấp ẩm như hệ thống phun sương để tránh không khí bị quá khô. Với những bạn đã có vấn đề về đường hô hấp thì nên nhỏ nước muối sinh lý vào mắt, mũi, việc này cũng giúp phòng các bệnh hô hấp.
Cuối cùng là cần tăng cường sức đề kháng bằng cách cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, đa dạng bữa ăn, kết hợp vận động thường xuyên, nghỉ ngơi điều độ.
Trong lớp học có thể bố trí chậu nước
Chậu nước đó sẽ cung cấp độ ẩm cho luồng gió và cơ thể học sinh sẽ ít bị mất nước hơn, nhất là đường thở. Kinh nghiệm cho thấy tỉ lệ viêm mũi giảm đi rất nhiều khi làm như vậy.
Chậu nước đó có thể là một chậu thủy sinh hay cái gì đó tương tự để nhân tiện làm vật trang trí cho lớp học cũng tốt.
Ngoài ra, để tiết kiệm điện thì có thể trang bị thêm một quạt treo tường, gắn ngay bên dưới máy lạnh. Khi mở quạt này thì luồng lạnh nhanh được phân phối đến các vị trí xa máy lạnh và sẽ được phân tán đều hơn mà không phải hạ thấp nhiệt độ máy lạnh.
Với phương án này, nếu duy trì ở 28 độ C thì có thể tăng hiệu quả làm mát mà không cần hạ nhiệt độ máy lạnh.