Để mở ngành mới, trường đại học phải đáp ứng thêm nhiều điều kiện như các giảng viên công bố 20-50 bài báo trở lên, có ít nhất hai năm kinh nghiệm dạy môn cốt lõi…
Đây là những điểm mới trong Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, công bố cuối tháng 11.
So với quy định cũ, áp dụng từ tháng 3/2022, thông tư mới chủ yếu bổ sung yêu cầu về trình độ, năng lực giảng viên nếu các trường đại học, viện nghiên cứu mở ngành mới.
Theo đó, giảng viên chủ trì xây dựng, giảng dạy chương trình phải thuộc diện cơ hữu, không quá tuổi nghỉ hưu. Hàng năm, người này trực tiếp giảng dạy trọn vẹn một số môn bắt buộc, hướng dẫn chính luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ.
Khi mở ngành bậc đại học, các trường cần có từ 5 giảng viên trình độ tiến sĩ trở lên, ở ngành phù hợp để chủ trì dạy tối thiểu hai môn cốt lõi. Những người này phải có ít nhất hai năm kinh nghiệm trực tiếp dạy trọn vẹn các học phần đó.
Với trình độ thạc sĩ, nếu muốn mở ngành thì các giảng viên phải đủ hai năm kinh nghiệm trực tiếp dạy trên 50% học phần trong chương trình, công bố ít nhất 20 bài báo khoa học. Con số này với trình độ tiến sĩ là 50 bài và tham gia hướng dẫn ít nhất 5 luận án tiến sĩ.
Ngoài đặt thêm yêu cầu về chất lượng, trình độ giảng viên khi mở ngành, trong thông tư mới, Bộ làm rõ hơn khái niệm “ngành phù hợp”. Theo đó, một ngành được đánh giá là phù hợp với ngành khác khi cùng tên hoặc đáp ứng chuẩn chương trình đào tạo do Bộ ban hành. Nếu chưa có chuẩn đào tạo, Hội đồng khoa học và đào tạo của trường đại học sẽ xác định sự phù hợp dựa trên nền tảng chuyên môn, căn cứ khoa học và thực tiễn.
Việc xác định ngành học phù hợp giúp trường thuận lợi trong phân công giảng viên.
Quy định mới có hiệu lực từ ngày 5/1/2025. Các ngành đã mở và đang hoạt động trước thời điểm này phải cải thiện theo quy định mới, hạn cuối là đầu tháng 6/2026. Nếu đã mở ngành nhưng không duy trì được các điều kiện nói trên, trường đại học bị đình chỉ tuyển sinh.
Hồi tháng 3, trong một hội nghị về giáo dục đại học, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn lưu ý các trường khi mở ngành mới phải xác định được đó có phải là những ngành phù hợp với xu hướng, nhu cầu của xã hội ở hiện tại và tương lai không. Điểm quan trọng nữa là trường phải có đủ năng lực để đảm bảo chất lượng. Các trường phải công khai, minh bạch mọi dữ liệu tuyển sinh, từ đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình, các phương thức xét tuyển, để thí sinh lựa chọn.