Rau dại xuyến chi có tác dụng hỗ trợ chữa trị nhiều bệnh

Với các thành phần hóa học quý, cây xuyến chi mọc hoang hay còn gọi là cúc chi, cúc dại không chỉ được nhiều người dùng như một loại rau ăn hằng ngày mà còn có tác dụng hỗ trợ chữa nhiều bệnh.
Xuyến chi - loại rau dại tốt có tác dụng chữa nhiều bệnh - Ảnh 1.

Cây xuyến chi – Ảnh minh họa

Thành phần hóa học quý phòng và chữa bệnh

Bác sĩ Quách Tuấn Vinh, chủ tịch Hội Đông y quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết xuyến chi là cây mọc hoang dại ở nhiều nơi và phát tán mạnh, được nhiều người dùng như một loại rau cho bữa ăn hằng ngày và là dược liệu trong y học cổ truyền để chữa bệnh vì các đặc tính dược lý có lợi cho sức khỏe.

Thành phần hóa học chính của cây xuyến chi gồm porphyrin, polyynes, terpenoid, flavonoid,… Đặc biệt, thành phần flavonoid có khả năng chống viêm, ngừa ung thư, chống oxy hóa.

Nhiều nghiên cứu đang chứng minh tác dụng hỗ trợ tốt của xuyến chi.

– Hỗ trợ chữa trị tiểu đường: Xuyến chi được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu, giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Một số nghiên cứu trên động vật đã chứng minh rằng xuyến chi có thể làm giảm mức đường huyết và cải thiện sự nhạy cảm insulin, hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường.

Các hợp chất trong cây xuyến chi như polyacetylene và flavonoid, có tác dụng giảm lượng đường trong máu.

– Hỗ trợ giúp hạ huyết áp: Cây xuyến chi cũng được nghiên cứu về tác dụng hỗ trợ hạ huyết áp, chủ yếu thông qua cơ chế giãn mạch và điều hòa áp lực máu.

Các hợp chất có trong xuyến chi, đặc biệt là flavonoid và polyphenol được cho là có khả năng làm giãn nở mạch máu và cải thiện tuần hoàn, giúp giảm áp lực lên thành mạch và kiểm soát huyết áp.

Tìm hiểu thêm:  Truy tìm chủ nha khoa mở 'chui' lấy tiền khách hàng rồi đóng cửa

– Hệ tiêu hóa: Xuyến chi có thể giúp hỗ trợ điều hòa chức năng tiêu hóa, chống táo bón và hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày, đường ruột. Một nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy chiết xuất từ xuyến chi có thể cải thiện đáng kể tình trạng viêm loét dạ dày do tác động của các gốc tự do và các phản ứng viêm.

– Chống viêm nhiễm: Xuyến chi có khả năng hỗ trợ ức chế các quá trình viêm và giảm sưng, giúp giảm viêm trong nhiều bệnh lý, đặc biệt là viêm khớp và các bệnh liên quan đến hệ thống miễn dịch.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chiết xuất từ xuyến chi có thể làm giảm mức cytokine gây viêm, qua đó giúp kiểm soát các phản ứng viêm trong cơ thể. Nghiên cứu tại Brazil đã xác nhận khả năng chống viêm mạnh mẽ của cây này thông qua cơ chế ức chế enzyme cyclooxygenase và lipooxygenase.

– Giảm nguy cơ phát triển các bệnh mạn tính: Các hợp chất trong xuyến chi, như flavonoid và polyphenol, có khả năng chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do gây ra.

– Hỗ trợ kháng khuẩn và kháng nấm: Xuyến chi có khả năng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn và nấm gây bệnh, từ đó giúp điều trị các bệnh nhiễm khuẩn và nấm da, viêm da, nhiễm trùng đường hô hấp và tiêu hóa.

Nghiên cứu được thực hiện tại Nigeria cho thấy chiết xuất của xuyến chi có tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với các chủng vi khuẩn như Staphylococcus aureus, E. coli và kháng nấm đối với các chủng nấm Candida.

– Tốt cho tim mạch: Thừa cân, vận động ít, béo phì, hút thuốc lá, tuổi cao… dễ đối mặt với các vấn đề về tim mạch và tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, đột quỵ. Thành phần của cây xuyến chi giàu chất chống oxy hóa, chất xơ nên có thể hỗ trợ phòng ngừa nguy cơ này.

Tìm hiểu thêm:  Bé trai 7 tuổi bị chó nhà nuôi cắn gây tổn thương vùng dương vật

– Cải thiện chức năng tuyến tiền liệt: Nam giới dùng cây xuyến chi có thể tăng khả năng liên kết mô tuyến tiền liệt, khiến tuyến này co lại. Kết quả là các triệu chứng của bệnh phì đại tuyến tiền liệt như: tiểu són, tiểu gấp, tiểu khó… được cải thiện.

Xuyến chi - loại rau dại tốt có tác dụng chữa nhiều bệnh - Ảnh 2.

Sử dụng xuyến chi đúng để chữa bệnh an toàn – Ảnh minh họa

Một số bài thuốc từ cây xuyến chi

Bác sĩ Vinh cho biết hoa xuyến chi có hàm lượng dược chất cao nhất vào thời điểm tháng 4 – tháng 9 nên khuyến khích thu hái vào thời điểm này. Mọi bộ phận của cây xuyến chi đều có thể dùng làm dược liệu (trừ rễ). Sau khi thu hoạch, các bộ phận của cây được rửa sạch, thái khúc, dùng tươi hoặc phơi phô.

– Hỗ trợ chữa viêm dạ dày: 60g xuyến chi, 800ml nước, sắc xuyến chi với nước cho đến khi nước cạn còn một nửa nước thì chắt lấy và chia thành 4 lần uống/ngày.

Hoặc một lượng tùy ý cây xuyến chi nấu thành cao đặc, mỗi ngày lấy 6g hòa với nước gừng tươi để uống.

– Dùng chữa mẩn ngứa: 100 – 200g xuyến chi, 4 – 5 lít nước đem nấu để lấy nước tắm còn phần bã thì xát lên vùng da bị ngứa. Làm như vậy cho đến khi tình trạng ngứa khỏi hẳn.

– Chữa viêm họng cấp: 30 – 60g xuyến chi tươi giã nát vắt lấy nước, chia thành 3 lần uống. Nếu cảm thấy khó uống cho thêm 1 thìa cà phê mật ong.

– Chữa đau nửa đầu: 3 quả đại táo, 30g xuyến chi sắc toàn bộ dược liệu trong khoảng 30 phút sau đó chắt lấy phần nước để chia thành 3 lần uống/ngày.

Sử dụng đúng để đảm bảo an toàn

Theo bác sĩ Vinh, dù có nhiều lợi ích sức khỏe, cũng cần phải lưu ý một số điểm quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng khuyến chi để chữa bệnh:

Tìm hiểu thêm:  Bệnh sởi tăng nóng ở Đồng Nai, xuất hiện ca tử vong đầu tiên

Liều lượng và cách sử dụng: Có thể sử dụng mỗi ngày 15g khô, tương đương 60g tươi. Xuyến chi có thể được sử dụng dưới dạng trà, bột chiết xuất, hoặc dạng thuốc sắc của đông y. Có thể sử dụng xuyến chi dưới dạng xào, nấu.

Tuy nhiên, sử dụng quá mức hoặc không theo đúng cách có thể làm giảm hiệu quả hoặc gây ra các phản ứng phụ. Trong nghiên cứu lâm sàng (đối với người), việc sử dụng dạng trà hoặc chiết xuất nước thường có liều từ 1-2 tách/ngày.

Liều lượng chính xác phụ thuộc vào mức độ cô đặc của chiết xuất và tình trạng bệnh lý của người sử dụng. Trẻ em, phụ nữ mang thai, người đang điều trị bệnh mạn tính nên thận trọng.

 

Do xuyến chi có khả năng hạ đường huyết, việc sử dụng chung với các loại thuốc điều trị tiểu đường có thể làm đường huyết giảm quá thấp (hạ đường huyết nghiêm trọng). Do đó, người bệnh tiểu đường cần phải được theo dõi cẩn thận và điều chỉnh liều thuốc phù hợp khi sử dụng xuyến chi.

Vì xuyến chi có tính kháng viêm và có thể làm loãng máu, người đang sử dụng thuốc chống đông máu hoặc thuốc kháng viêm cần lưu ý vì có thể gây ra hiện tượng chảy máu hoặc làm thay đổi hiệu quả của các thuốc này.

Một số người có thể nhạy cảm hoặc dị ứng với các loại thực vật họ Cúc (Asteraceae), bao gồm xuyến chi. Biểu hiện có thể là nổi mề đay, ngứa ngáy, hoặc khó thở. Nếu có bất kỳ dấu hiệu dị ứng nào, nên ngưng sử dụng ngay lập tức và đến bác sĩ.

Hoặc có thể gặp rối loạn tiêu hóa nhẹ như đau bụng, tiêu chảy hoặc buồn nôn khi sử dụng xuyến chi, đặc biệt là khi sử dụng ở liều cao hoặc sử dụng kéo dài.