Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1705 phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chiến lược nhấn mạnh phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò động lực then chốt để phát triển đất nước. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển, cần được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế – xã hội. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn lực khác, tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia, đóng góp cho phát triển giáo dục.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất, đặc biệt là năng lực đổi mới và sáng tạo của người học. Thực hiện tốt nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội.
Phát triển hệ thống giáo dục mở, đảm bảo công bằng và bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, phục vụ học tập suốt đời, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa, hội nhập quốc tế. Đến năm 2030, giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á và đến năm 2045 đạt trình độ tiên tiến của thế giới.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 với giáo dục mầm non là tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo.
Giáo dục phổ thông duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. 100% giáo viên phổ thông đạt chuẩn trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục. Phấn đấu số cơ sở giáo dục phổ thông tư thục đạt 5% và số học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông tư thục đạt 5,5%.D
Dịch chuyển cơ cấu trình độ và ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế tri thức và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu; tỉ trọng quy mô đào tạo các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) đạt 35%.
Có ít nhất 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 500 trường đại học tốt nhất thế giới, 5 cơ sở giáo dục đại học vào nhóm 200 trường đại học hàng đầu châu Á. Việt Nam nằm trong 4 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất khu vực Đông Nam Á và trong 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á.
10 nhiệm vụ, giải pháp được đề cập trong Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gồm: Hoàn thiện thể chế; Đổi mới quản lý giáo dục và quản trị nhà trường; Thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục; Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục;
Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học; Tăng cường hội nhập quốc tế.