Lâm Quốc Dũng, Nam vương Sinh viên thanh lịch 2024, là học sinh giỏi Toán, Lý của tỉnh Ninh Bình, đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội theo diện “tài năng”.
Quốc Dũng, 18 tuổi, quê Ninh Bình, trở thành Nam vương cuộc thi Sinh viên thanh lịch do Đoàn khối các cơ quan Trung ương và Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức hôm 20/11, sau khi vượt qua hơn 200 sinh viên đến từ hơn 40 trường đại học, cao đẳng.
Bắt đầu hành trình cuộc thi khi mới nhập học ngành Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano của Đại học Bách khoa Hà Nội hồi tháng 9, Dũng không nghĩ đạt được danh hiệu này.
“Em đi thi với tâm thế giao lưu, học hỏi”, Dũng nói.
Trước đó, Dũng đạt danh hiệu tương tự ở cuộc thi Học sinh thanh lịch trường THPT Nguyễn Huệ, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình và nhiều giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh.
Nam sinh đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội theo diện xét tuyển tài năng hồi tháng 6 bằng cách kết hợp giải thưởng và phỏng vấn. Năm nay, nhóm thí sinh đăng ký diện này tăng mạnh, ngành học của Dũng – Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano thuộc top 5 có lượng hồ sơ nhiều nhất.
Ở kỳ thi tốt nghiệp sau đó, Dũng còn đạt 28,1 điểm tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh), cao nhất trường THPT Nguyễn Huệ, nằm trong top thí sinh có điểm cao nhất tỉnh Ninh Bình.
Dũng cho biết khi mới nhập học Bách khoa, lịch học chỉ gồm hai môn nên dễ dàng sắp xếp thời gian tham dự cuộc thi Sinh viên thanh lịch. Nam sinh phải trải qua nhiều vòng, hoạt động, kéo dài gần ba tháng. Tuy chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc thi nhưng Dũng không quá đầu tư về tài chính. Em mặc lại bộ vest và áo dài may từ cấp ba. Hôm chụp ảnh profile cuộc thi, Dũng là thí sinh duy nhất để mặt mộc.
Nhưng nhờ chiều cao 1m81, Dũng nổi bật giữa dàn thí sinh. Nam sinh cũng cho rằng bản thân có lợi thế ở phần ứng xử, khi nhận được câu hỏi “Sinh viên thời đại 4.0 cần những phẩm chất gì?”.
Dũng cho rằng sinh viên ngày nay cần năng động, sáng tạo, thích nghi, rèn luyện về đức và tài để không ngừng hoàn thiện bản thân. Nam sinh nhấn mạnh đến sự định hướng, mục tiêu của sinh viên.
“Em cho rằng đây là điều quan trọng, bởi hiện nay mọi người đều được tiếp xúc với công nghệ với nhiều thứ sẵn có. Những ai có định hướng, mục tiêu rõ ràng sẽ tận dụng được sự tiện nghi của công nghệ, giúp ích cho con đường tương lai, từ đó đóng góp sức mình xây dựng xã hội phát triển”, Dũng nói.
Nam sinh Bách khoa nhìn nhận bản thân may mắn bố mẹ là giáo viên, từ nhỏ đã hiểu vai trò của định hướng sớm. Khi chọn ngành Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano, Dũng đã tìm hiểu rất nhiều và quyết định đặt nguyện vọng một khi thấy lĩnh vực vi mạch bán dẫn đang nổi lên. Đây cũng là ngành học liên quan rất nhiều đến hai môn thế mạnh Toán và Lý.
Đỗ vào Bách khoa, Dũng xác định phải học tập cẩn thận từ đầu. Biết học đại học rất khác phổ thông, Dũng giữ thói quen tự học. Lịch học vào buổi chiều nhưng mỗi sáng, cứ đúng 8h, nam sinh ngồi vào bàn học đến 10h30.
Biết Đài Loan (Trung Quốc) có thế mạnh trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, Dũng đặt mục tiêu du học ở đây sau khi tốt nghiệp đại học. Đã có chứng chỉ tiếng Anh IELTS 7.0, nam sinh bắt đầu học thêm tiếng Trung, dự định thử sức nghiên cứu khoa học từ kỳ II năm thứ hai, sau khi tích lũy được một lượng kiến thức nền tảng liên quan đến ngành.
Cô Đoàn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ, cũng nhận thấy Dũng luôn có mục tiêu trong học tập và phấn đấu để đạt được mục tiêu đó. Nhờ vậy, Dũng đạt được nhiều thành tích cao như giải nhì học sinh giỏi Toán cấp tỉnh lớp 9, giải nhì Toán và khuyến khích Vật lý cấp tỉnh lớp 12. Điểm học tập luôn trên 9.
“Thầy cô trong trường đều biết Dũng. Học sinh khóa dưới coi Dũng là idol (thần tượng) để noi gương”, cô Dung nói.
Hiệu trưởng trường Nguyễn Huệ cũng ấn tượng khi Dũng không bỏ bất kỳ hoạt động nào của trường, chơi bóng rổ và bóng đá giỏi, luôn chu đáo, trách nhiệm, quan tâm đến mọi người xung quanh.
Sau cuộc thi, Dũng được nhiều người quan tâm hơn. Nam sinh coi đây là bước đệm để tham gia nhiều hơn các hoạt động cộng đồng, xây dựng hình ảnh tích cực trên diễn đàn mạng xã hội. Có người khuyên em tham gia các cuộc thi quy mô lớn hơn nhưng mục tiêu lớn nhất hiện tại của Dũng là học tập.
“Việc tham gia các cuộc thi giúp em rèn luyện nhiều kỹ năng, sự tự tin, tự lập, nên nếu sắp xếp được, em sẽ xem xét. Nhưng em không muốn đi quá sâu vào mảng đó”, Dũng nói. “Dù thế nào, em cũng hoàn thành mục tiêu học tập trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn”.