Sách giả như quốc nạn
Hiện nay, sách giả, sách lậu ngày càng lộng hành và biến tướng. Ngoài tràn lan ở vỉa hè hay len lỏi vào nhà sách, những loại sách này còn “đổ bộ” lên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội khiến cho cuộc chiến với sách giả càng trở nên gian nan hơn.
Không chỉ để lại nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực đến các đơn vị xuất bản phát hành, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tác giả của các tổ chức, cá nhân, sách giả, sách lậu còn tạo ra những câu chuyện oái ăm với chính những người trong cuộc.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng chia sẻ về tình huống dở khóc, dở cười vì sách giả, sách lậu trong những dịp giao lưu và tặng chữ ký cho bạn đọc.
“Có lúc các em đưa sách, tôi nhận ra đó là sách giả, sách lậu nên đành phải lịch sự từ chối và nhẹ nhàng giải thích cho các em hiểu tại sao. Vì tác giả ký tên vào một cuốn sách giả, sách lậu chẳng khác nào thừa nhận tính hợp pháp của nó, tự nhiên trở thành đồng lõa với những kẻ làm sách lậu.
Có em xếp hàng bốn, năm tiếng đồng hồ dưới nắng dưới mưa, đến khi gặp được tác giả thì mới bàng hoàng biết được cuốn sách trên tay mình là sách lậu. Nhìn các em bật khóc quay ra, tôi vô cùng sượng sùng, thất vọng, thậm chí khủng hoảng. Tôi tin không nhà văn nào muốn rơi vào tình cảnh trớ trêu này, dù chỉ một lần trong đời.
Tôi không biết điều gì đang diễn ra đằng sau vẻ mặt ngây thơ đẫm nước mắt kia, nhưng tôi chắc chắn tâm hồn trong trẻo non tơ của các em sẽ hụt hẫng, đổ vỡ giống như những gì đang diễn ra trong tôi”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.
Và tình huống trên cũng không phải là cá biệt, bởi từng có lần đến giao lưu với sinh viên một trường đại học, chính nhà văn ngỡ ngàng nhận ra trong số sách sinh viên đem đến xin chữ ký có gần phân nửa là sách lậu. Hỏi ra mới biết nguồn gốc của nó xuất phát từ các tiệm sách vây quanh làng đại học. Nhìn những cuốn sách luộm thuộm trước mặt, cha đẻ của tác phẩm chỉ biết thở dài nhủ bụng: “Đây là con ai chứ đâu phải con mình!”.
Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, theo mức độ lộng hành của nó, hiện nay nạn sách giả, sách lậu đã có thể gọi là quốc nạn. Nó giống như một thứ vi rút, một thứ dịch bệnh bào mòn sức khỏe văn hóa, sức khỏe tinh thần của cộng đồng. Nhìn xa hơn, nạn sách giả, sách lậu còn làm xấu hình ảnh của đất nước, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung và kinh doanh văn hóa nói riêng.
“Nó như căn bệnh mãn tính, từng ngày làm mưng mủ tâm hồn bạn đọc và hủy hoại những gì tốt đẹp nhất mà các nhà văn hóa, các nhà giáo dục muốn đem lại cho đời sống tinh thần của con người”, nhà văn này đánh giá.
Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Trăn trở của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không phải cá biệt và nhất thiết không thể nên là cá biệt, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang kêu gọi về xây dựng văn hóa đọc và một môi trường văn hóa lành mạnh.
Một số công ty sách, nhà xuất bản đã rất chủ động các biện pháp để tự bảo vệ mình như sử dụng tem chống hàng giả công nghệ, sử dụng mã QR trên sách… Có nơi sử dụng giấy, mực in chất lượng cao, giấy xốp nhẹ hoặc các loại giấy tiên tiến chất lượng cao, chống lóa, giấy thân thiện với sức khỏe và môi trường hoặc xuất bản có quà tặng đính kèm như postcard, bookmark, túi canvas hoặc sử dụng công cụ chống làm lậu, dán tem chống sách giả.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc, tuyên chiến với nạn sách giả, nhiều đường dây sản xuất, buôn bán sách giả bị triệt phá với hàng trăm đối tượng đã bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý và ngăn chặn còn khá hạn chế. Các trường hợp bị xử lý mới chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, chưa đủ khả năng răn đe, ngăn chặn.
Chưa kể, sách giả mang đến những nguồn lợi kếch sù cho đối tượng in lậu, nhưng mức xử phạt theo quy định của pháp luật còn thấp, nên nhiều đối tượng sẵn sàng nộp phạt để lại tái diễn với mức độ liều lĩnh, tinh vi hơn. Việc áp dụng biện pháp đóng cửa cơ sở in ấn được đánh giá là mạnh tay, tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau đó, cơ sở in ấn mới lại tiếp tục mọc lên, và qua nhiều cách thức khác nhau, sách giả lại tiếp tục được tuồn ra thị trường.
Ðể tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, nhiều cơ sở in lậu chọn địa bàn hoạt động là khu vực ngoại thành, thuê cơ sở tại nhà dân, thường hoạt động vào ban đêm và các ngày cuối tuần. Và để tạo thị trường tiêu thụ, các “đầu nậu” này sẵn sàng đưa ra mức chiết khấu cao, nhằm tuồn sách giả vào các nhà sách lớn, cơ quan, trường học.
Để giải quyết căn cơ vấn nạn này, theo PGS.TS. Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng Biên tập NXB Giáo dục Việt Nam, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng công an, quản lí thị trường và tăng cường áp dụng mức xử phạt và hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi sản xuất, phân phối và tiêu thụ sách lậu, sách giả; cần chú trọng nâng cao nhận thức của cộng đồng đặc biệt là giáo viên, phụ huynh và học sinh về tác hại của sách giả, sách lậu, làm thay đổi cơ bản và lâu dài hành vi tiêu dùng.
Bởi, nếu chỉ có sự nỗ lực đơn độc của các cơ quan chức năng, các đơn vị xuất bản, trong khi một bộ phận người dân vẫn tiếp tay, dung túng, tiêu thụ sách giả thì vấn nạn này sẽ không thể giải quyết triệt để. Do đó, trong cuộc chiến chống sách giả cần kêu gọi trách nhiệm của cả cộng đồng nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, kiên quyết nói “không” với sách giả.
Kịp thời phát hiện, tố giác những cơ sở in ấn, kinh doanh sách giả… Khi không còn môi trường tồn tại, sách giả sẽ tự triệt tiêu. Sự chung tay của cả cộng đồng không chỉ góp phần lành mạnh hóa hoạt động xuất bản, mà còn thể hiện lối sống văn hóa, biết trân trọng những giá trị tinh thần đích thực của nhân loại.