Gia Khanh, 16 tuổi, là học sinh Việt đầu tiên được Chủ tịch Khoa học Giáo dục UNESCO trực tiếp đề cử dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên Hợp Quốc.
Đây là nơi các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận về một loạt vấn đề cấp bách toàn cầu, từ xung đột tới khí hậu. Khanh tham gia với tư cách đại biểu trẻ, là học sinh trung học đầu tiên của Việt Nam, cũng là đại diện trẻ duy nhất của châu Á nhận đề cử từ UNESCO.
“Em rất tự hào và biết ơn về những hỗ trợ mình đã nhận được”, Khanh bày tỏ.
Trước đó, Khanh lọt vào chung kết cuộc thi Youth Design Challenge của Learning Planet – tổ chức giáo dục toàn cầu được UNESCO bảo trợ, với sáng kiến Chalk Road (Con đường phấn). Qua đó, nữ sinh thể hiện sự quan tâm và tìm giải pháp để xây dựng xã hội học tập bền vững.
Ý tưởng về Chalk Road của Khanh bắt đầu năm 2022, sau khi tham gia nhiều hoạt động từ thiện. Nữ sinh cho rằng giáo dục là nền tảng cơ bản và bền vững, nên muốn thực hiện những dự án cải thiện cơ sở vật chất trường học, nâng cao kỹ năng mềm và nhận thức của học sinh về bản thân và các vấn đề xã hội. Tên “Chalk Road” được chọn vì phấn bảng là hình ảnh gắn liền với giáo dục Việt Nam, theo Khanh sẽ tạo cảm giác gần gũi và thân thương.
Ban đầu, nhóm gồm Khanh và hai người bạn, sau đó tăng lên 15 người. Các em tập trung vào hai mảng chính: trang bị cơ sở vật chất hỗ trợ giảng dạy ở các trường và tổ chức các buổi trải nghiệm, chia sẻ, định hướng nghề nghiệp với chuyên gia giáo dục.
Tháng 8/2023, nhóm thực hiện dự án đầu tiên tại trường THCS Điêu Lương, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. Cô Bùi Thị Thể, hiệu trưởng trường này, cho biết trong ba ngày, gần 300 học sinh được nghe chuyên gia định hướng nghề nghiệp, tư vấn tâm lý, tham dự workshop nâng cao kỹ năng mềm. Ngoài ra, nhóm cũng quyên góp sách cho thư viện, trang bị điều hòa, thảm, bàn ghế cho phòng đọc, tổng khoảng 80 triệu đồng.
Bốn tháng sau, Khanh và bạn bè trở lại trường, tiếp tục các hoạt động tương tự. Nữ sinh cho rằng đây là điểm khác biệt.
“Em nghĩ khi đã làm dự án về giáo dục, việc đồng hành và theo dõi hiệu quả rất quan trọng. Vì vậy, em không muốn mình chỉ chọn một trường, đến rồi đi, mà còn muốn xem các bạn thay đổi thế nào, những gì mình quyên góp, hỗ trợ có ý nghĩa với việc dạy và học ra sao”, Khanh nói.
Cô Thể bày tỏ trân trọng với những đóng góp này. Cô cho biết từ khi phòng đọc được tân trang, học sinh thích tới thư viện hơn. Trường Điêu Lương đưa hoạt động đọc sách vào thời khóa biểu, mỗi lớp sẽ có một buổi lên phòng đọc hàng tuần. Các thiết bị, dụng cụ mà dự án hỗ trợ được chia về các lớp, phục vụ dạy và học.
“Cả học sinh và các thầy cô trong trường đến giờ vẫn nhớ Khanh và các bạn trong dự án”, cô Thể nói. “Các bạn tài năng, giàu lòng nhân ái và có một tầm nhìn rất xa về giáo dục. Đó là điều tôi đánh giá rất cao ở Khanh và dành sự cảm phục cho em”.
Sau đó, Khanh tổ chức hoạt động tương tự tại trường Tiểu học và THCS Thành Kim, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa, với hơn 1.400 học sinh. Cuối năm ngoái, dự án được Quỹ ảnh hưởng xã hội của tổ chức giáo dục Nord Anglia và Quỹ Nhi đồng UNICEF hỗ trợ 9.000 USD (khoảng 230 triệu đồng) để duy trì.
Đầu năm 2024, khi tham gia sự kiện Vườn ươm Đối tác UNESCO tại Pháp, Khanh có cơ hội giới thiệu về Chalk Road. Ban đầu, nữ sinh chỉ nghĩ nội dung có thể được đăng trên website, bởi biết có nhiều dự án xuất sắc.
Hơn cả mong đợi, Khanh sau đó được Francois Taddei, Chủ tịch Khoa học giáo dục UNESCO, kiêm Chủ tịch Learning Planet – đơn vị tổ chức, viết thư giới thiệu em tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên Hợp Quốc. Trong thư, ông Francois cho biết Gia Khanh là một đại biểu trẻ xuất sắc, đã có “những cống hiến đặc biệt” với việc học của thanh thiếu niên.
“Em vui đến nỗi không nói nên lời, nhưng cũng lo lắng khi hội nghị chỉ còn cách một tuần, nên phải gấp rút chuẩn bị”, Khanh nói.
Sự kiện dành cho các đại biểu trẻ diễn ra vào ngày 20 và 21/9. Sau khi dự phiên khai mạc trong phòng họp lớn của Liên Hợp Quốc, Khanh được chọn tham gia các phiên thảo luận.
Nhìn thấy những phát minh về công nghệ, kỹ thuật với hiệu quả rõ nét, Khanh có lúc nghi ngờ về tác động của Chalk Road, bởi nó không hữu hình. Nữ sinh chủ động tìm lời khuyên từ các đại biểu, lấy can đảm để bắt chuyện với lãnh đạo của nhiều tổ chức nổi tiếng như Quỹ Ban Ki Moon, UN Women, UNESCO….
Khanh ấn tượng nhất với phần diễn thuyết về vai trò phụ nữ trong xã hội hiện đại của chị Amanda Ngọc Nguyễn – người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ. Nữ sinh cũng tâm đắc với chia sẻ của một diễn giả, đại ý: Nếu các bạn nghĩ ảnh hưởng của mình là nhỏ, hãy đi ngủ với một con muỗi.
“Em thấy mình được khích lệ rất nhiều sau những chia sẻ của các diễn giả”, Khanh nói. “Em có niềm tin để tiếp tục theo đuổi những thứ đang làm hơn”.
Ngoài ra, Khanh duy trì kết quả học tốt. Nữ sinh học chương trình quốc tế IGCSE với 8 môn Toán nâng cao, Tiếng Anh, Văn học, Địa Lý, Tiếng Tây Ban Nha, Sinh học, Hóa học và Vật Lý. Khanh đạt A* (mức cao nhất) cả 8 môn, đứng đầu khóa.
Để cân bằng giữa hoạt động ngoại khóa và học tập, Khanh thường lên kế hoạch theo năm. Chẳng hạn nữ sinh biết mình phải thi IGCSE vào tháng 5 nên sẽ làm các dự án Chalk Road sớm hơn. Tới tháng 6 khi đã gần thi xong, Khanh tổ chức trại sáng tác văn học Camp Lumina cho học sinh.
Khi học, nữ sinh tận dụng thời gian ở trường để hỏi luôn giáo viên những phần chưa hiểu. Trước thi 2-3 tuần, em thường rủ bạn học nhóm để hỗ trợ nhau ôn tập. Khanh cho biết do đã hiểu bài từ lúc học, việc ôn thi không quá khó khăn. Nữ sinh thường nhảy, chạy bộ để giải tỏa khi căng thẳng.
Sắp bước vào năm cuối cấp, Khanh định dành nhiều thời gian học hơn. Em đang tuyển thêm thành viên để dần chuyển giao Chalk Road.
“Em hy vọng tạo dựng một cộng đồng – nơi các bạn trẻ được khuyến khích phát huy tiềm năng, trở thành những người sẵn sàng hành động cho một tương lai bền vững và công bằng – như những gì em được truyền cảm hứng từ chuyến đi tới Liên Hợp Quốc”, Khanh nói.