Cùng với sự thay đổi của chương trình GDPT, việc kiểm tra, đánh giá cũng có nhiều sự điều chỉnh. Nổi bật trong số đó là những môn Âm nhạc, Giáo dục thể chất, Mỹ thuật,…
Riêng đối với môn Âm nhạc, học sinh giờ đây không chỉ thuộc một bài hát, tập đúng động tác là có thể đạt điểm cao. Thay vào đó, cần sự nỗ lực học tập, rèn luyện và đáp ứng được những yêu cầu cần đạt của học sinh.
Theo Chương trình GDPT 2018, ở cấp tiểu học, môn Âm nhạc giúp học sinh nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mỹ và tình yêu âm nhạc, có đời sống tinh thần phong phú, hình thành và phát triển những phẩm chất cao đẹp.
Bước đầu trải nghiệm và khám phá nghệ thuật âm nhạc thông qua nhiều hình thức hoạt động, từ đó hình thành năng lực giao tiếp và hợp tác. Cơ bản hình thành năng lực âm nhạc dựa trên kiến thức và kỹ năng âm nhạc phổ thông, hình thành năng lực tự chủ và tự học. Từ đó, phát huy tiềm năng hoạt động âm nhạc, hình thành năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Thanh Mai – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Xá, Thanh Trì, Hà Nội cho rằng đối với Chương trình GDPT 2018, chúng ta cần thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá đối với các môn học nghệ thuật.
“Với chương trình mới, môn Âm nhạc ngoài sự chăm chỉ, bộ môn này cũng đòi hỏi học sinh phải có năng khiếu nhiều hơn trước kia. Điều này lý giải vì sao, giờ đây các môn nghệ thuật học sinh không còn “mưa” điểm cao”, bà Nguyễn Thị Thanh Mai cho hay.
Bên cạnh đó, các em không chỉ nỗ lực ở bài thi cuối kỳ là có thể được đánh giá hoàn thành tốt, mà việc xếp loại hiện nay cần cả quá trình học tập, nghĩa là học sinh phải tập trung trong mỗi giờ học và từng bài kiểm tra.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai bày tỏ phụ huynh nên cần hiểu sự thay đổi này và năng lực của từng em, có thể các con không ở có điểm cao ở những môn này, nhưng vẫn là thành tích tốt nhất đối với khả năng của học sinh.
Dưới góc độ chuyên môn, TS.Đỗ Thị Minh Chính – Tổng Chủ biên sách giáo khoa Âm nhạc, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đánh giá thông qua việc giảng dạy, học tập âm nhạc trong nhà trường và đời sống xã hội giúp tạo cho học sinh niềm niềm vui, niềm hứng khởi, cảm xúc trong sáng.
Từ đó, hình thành và phát triển các tố chất tiềm ẩn, năng khiếu âm nhạc của mỗi học sinh. Đây cũng là những yêu cầu cần đạt được nêu rõ trong Chương trình GDPT 2018.
Về phía nội dung sách giáo khoa, cũng có nhiều sự thay đổi, giúp hỗ trợ người học, đáp ứng chương trình mới. Sách giáo khoa Âm nhạc, bộ Kết nối tri thức được sắp xếp theo từng chủ đề bài học. Thông qua mỗi bài, học sinh sẽ được học một nội dung kiến thức, nhưng các bài học này được kết nối thông qua mạch nội dung và chủ đề chung.
Nếu với Chương trình GDPT 2006, các em chỉ cần tiếp cận nội dung, sau đó hát, múa và sử dụng các cụ nhạc cụ. Khi kiểm tra, học sinh chỉ cần ghi nhớ, tái hiện lại những kiến thức, kỹ năng này. Nhưng khi xây dựng bài học theo chủ đề, người học phải đi sâu vào việc trả lời các câu hỏi về việc sẽ được gì sau khi học, yêu cầu này là cao hơn so với trước kia.
Học tập môn Âm nhạc giờ đây là vừa học lý thuyết, vừa thực hành, vận dụng được kiến thức để giải quyết nhiệm vụ của bài học, mở rộng hơn từ chính những nội dung đó các em có thể linh hoạt vận dụng vào các tình huống, nhiệm vụ cụ thể trong cuộc sống, đây vừa là yêu cầu, cũng là triết lý mà các tác giả bộ sách hướng tới.