Sau 5 năm triển khai, các bộ sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018 hiện nay được đánh giá đáp ứng yêu cầu, được đổi mới theo hướng tinh giản, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Để có được kết quả như vậy, hoạt động biên soạn sách giáo khoa đã có sự tham gia đông đảo các tổng chủ biên, chủ biên và tác giả, với tổng số 2656 tác giả. Cơ cấu đội ngũ tác giả đa dạng gồm chuyên gia, giảng viên của các trường đại học, của các viện nghiên cứu và lần đầu có đội ngũ giáo viên phổ thông tham gia biên soạn sách giáo khoa góp phần phát huy được trí tuệ của thầy cô giáo.
Nhìn lại hành trình đã qua, trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Đào Ngọc Hùng – Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên phần Địa lý sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cho biếtvới mọi người đó chỉ là một cuốn sách, nhưng với chúng tôi đấy là đứa con tinh thần.
Bởi, chỉ tính riêng phần biên soạn sách giáo khoa, để đến được tay học sinh và giáo viên, các cuốn sách phải trải qua 8 bước gồm: Nghiên cứu chương trình giáo dục quốc gia, xây dựng mô hình cấu trúc sách giáo khoa; Biên soạn bài mẫu và dạy thử nghiệm; Biên soạn, biên tập, thiết kế, chế bản và minh hoạ, hình thành bản thảo gốc; Lấy ý kiến góp ý; Thẩm định quốc gia và hoàn thiện bản mẫu sau thẩm định quốc gia; Hoàn thành bản mẫu sách giáo khoa giao in; Tổ chức in và phát hành; Lưu giữ hồ sơ xuất bản phẩm.
Theo chuyên gia, phải trải qua nhiều bước nghiêm ngặt như vậy để đảm bảo chất lượng các cuốn sách giáo khoa, cũng như đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.
Tuy nhiên, trong 8 bước trên, thách thức lớn nhất là phải xây dựng được các nội dung kiến thức mới mẻ, cập nhật và phù hợp với sự phát triển của xã hội. Đặc biệt, những ví dụ và câu chuyện phải gần gũi, dễ hiểu và phản ánh đúng những mối quan tâm, trải nghiệm của học sinh thời nay.
Đối với sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, tính mới được chọn là việc chuyển từ cách tiếp cận nhằm phát triển kiến thức và kỹ năng cho học sinh sang cách tiếp cận hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất.
“Thực hiện đúng tinh thần của cả bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, nhóm tác giả đã biên soạn cuốn sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý với hướng tiếp cận giúp người học giải quyết các vấn đề trong thực tế cuộc sống. Bên cạnh đó, nội dung cuốn sách cũng được cập nhật thêm nhiều kiến thức đương đại”, PGS.TS Đào Ngọc Hùng cho hay.
Để đảm bảo chất lượng, đội ngũ các chuyên gia rất chú trọng các bước biên soạn, biên tập, thiết kế, chế bản và minh hoạ, hình thành bản thảo gốc, đây được đánh giá là công đoạn khó khăn nhất, tốn nhiều thời gian và công sức. Bởi chỉ mỗi sai sót nhỏ, một hình ảnh chưa đẹp, chưa phù hợp, sẽ ảnh hưởng đến cả một bộ sách.
PGS.TS Đào Ngọc Hùng nhấn mạnh: “Việc biên soạn, lựa chọn nội dung kiến thức không phải là thử thách lớn nhất, điều quan trọng, với từng đấy mạch nội dung, người biên soạn phải biết sắp xếp làm sao để học sinh có thể hiểu một cách đơn giản, nhẹ nhàng, lồng ghép và liên hệ được với cuộc. Tôi và các cộng sự luôn kỳ vọng rằng sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý sẽ là công cụ giúp học sinh có thể tự học và chủ động tiếp cận, khai thác nội dung”.
Với bất kỳ cuốn sách giáo khoa này, nhóm tác giả đã dành tất cả tâm huyết, làm việc không ngừng nghỉ, cùng nhau thảo luận, góp ý để cho ra đời cuốn sách chất lượng nhất, đảm bảo tính ngắn gọn, súc tích, tránh gây áp lực hay quá tải cho học sinh.
Trong Chương trình GDPT 2018, nội dung sách giáo khoa đóng vai trò là “học liệu” (không phải là nguồn kiến thức duy nhất) để tổ chức hoạt động dạy học; dạy học theo nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình; mỗi môn học có nhiều sách giáo khoa. Một chương trình, nhiều sách giáo khoa là giải pháp quan trọng để thay đổi mục tiêu dạy học từ “truyền thụ kiến thức” sang dạy học “phát triển năng lực”.