Cù lao Mỹ Hòa Hưng sông Hậu hấp dẫn du khách bởi cảnh đẹp hữu tình, thơ mộng. Đặc biệt, không gian bình yên, trong lành của nơi đây thực sự lý tưởng cho những ai đang muốn tìm đến một nơi để “trốn” dịp cuối tuần.
1. Kinh nghiệm khám phá cù lao Mỹ Hoà Hưng sông Hậu từ A-Z
1.1. Cù lao Mỹ Hòa Hưng ở đâu?
Cù lao Mỹ Hòa Hưng ở đâu hay địa chỉ chính xác của cù lao Mỹ Hòa Hưng là điều mà nhiều người thắc mắc khi đang lên kế hoạch cho hành trình khám phá sắp tới của mình. Cụ thể, cù lao nằm giữa con sông Hậu hiền hòa, thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Cù lao Mỹ Hòa Hưng còn được gọi là cù lao ông Hổ, nơi gắn liền với truyền thuyết về tình nghĩa con người và hổ, đầy nhân văn. Đây cũng chính là quê hương của chủ tịch Tôn Đức Thắng. Nằm giữa hai bờ Chợ Mới và Long Xuyên, cù lao Mỹ Hòa Hưng sông Hậu là một điểm đến thú vị đang chờ đón bạn. Như vậy, sau khi đã biết cù lao Mỹ Hòa Hưng ở đâu, còn chần chờ gì nữa mà không rủ ngay hội bạn thân tới đây thăm quan, khám phá thôi nào.
1.2. Hướng dẫn di chuyển
Cách TP Hồ Chí Minh gần 200km, việc di chuyển tới cù lao ông Hổ mất tầm 4 tiếng đồng hồ. Đường đi đẹp, dễ đi, có thể tìm trên google maps dễ dàng. Từ trung tâm TP Hồ Chí Minh, du khách đi theo cao tốc Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận – Quốc lộ 30 – Quốc lộ 80 – Quốc lộ 91 là tới.
Từ trung tâm TP Long Xuyên, với khoảng cách chỉ tầm 7km, bạn có thể tới cù lao này dễ dàng trong 30 phút. Nếu không biết đường, du khách có thể hỏi người dân địa phương, ai cũng sẽ chỉ cho bạn rất tận tình.
Theo cẩm nang du lịch cù lao Mỹ Hòa Hưng sông Hậu bốn bề là sông nước. Để vào được đây, bạn cần đi phà tại bến phà Ô Môi, có thể mang xe máy, ô tô lên phà hoặc tự thuê thuyền đi với thời gian tầm 30 phút. Cả bến phà và bến thuyền đều nằm gần chợ Long Xuyên nên cũng dễ tìm. Từ xa xa, bạn đã có thể thấy cù lao hiện lên xanh mát, bình dị, khác biệt hẳn với thành phố sôi động ngoài kia.
1.3. Khám phá cù lao ông Hổ An Giang
1.3.1. Nghe truyền thuyết ông Hổ
Cù lao ông Hổ sông Hậu nằm trên dòng sông Hậu, bốn mùa đều rợp bóng mát, không gian thoáng đãng, trong lành, quanh năm có hoa quả trĩu cành. Đường vào trung tâm to rộng, hai bên có những cột cờ thẳng tắp, có hàng rào hoa rực rỡ, những mái nhà trang nhã như minh chứng cho sức sống hiện đại xen lẫn truyền thống trên cù lao này.
Sở dĩ gọi cù lao Mỹ Hòa Hưng sông Hậu là cù lao ông Hổ cũng bởi nơi đây gắn liền với truyền thuyết về ông cọp. Theo chia sẻ của các vị cao niên trong làng, ngày xưa, mảnh đất này nổi lên giữa sông Hậu, không người lui tới. Sau có những người tiên phong, người dân mới bắt đầu về đây xây nhà, làm ăn.
Tại đây, có vợ chồng ông lão chèo xuồng bắt cá, lượm củ thì thấy một con vật như con mèo trôi trên sông. Khi nhìn gần, đó không phải mèo mà là một con hổ đang đói rét. Thấy thương, vợ chồng ông lão bè đem về nuôi dưỡng. Con hổ lớn lên trong tình thương yêu của vợ chồng ông. Theo thời gian, vợ chồng ông qua đời vì tuổi già, lúc đó hổ rút vào rừng sống.
Khi tới ngày giỗ của ân nhân, hổ thường mang theo nai hoặc heo rừng đặt lên mộ ông bà rồi đi. Một lần, người ta thấy hổ đi quanh nấm mồ rồi đến nửa đêm chết. Người dân chôn cất con hổ giữa nấm mộ của vợ chồng ông lão và lập miếu thờ, đặt tên cù lao này là cù lao ông Hổ.
Ngay từ bến phà vào cù lao ông Hổ sông Hậu, bạn sẽ thấy hai bức tượng hổ tạc bằng đá đứng hai bên uy nghi, dũng mãnh như trấn giữ cho ngôi làng này. Hổ đã trở thành biểu tượng cho cù lao Mỹ Hòa Hưng sông Hậu hàng trăm năm qua.
Hầu như ai ở đây cũng đều biết về câu chuyện ông cọp hư hư thực thực này. Truyền thuyết này cũng thể hiện cốt cách tình nghĩa, chân thành của người dân địa phương, cảm hóa được cả mãnh thú. Theo năm tháng, từ một địa danh không điện, không trường học, không nước sạch, không cơ sở y tế… cù lao ông Hổ sông Hậu đã trở thành một mảnh đất ngày càng phát triển.
1.3.2. Thăm quan Bửu Long Cổ Tự
Ngày nay, mộ ông Hổ được người dân phục dựng tại Bửu Long Cổ Tự. Đây là điểm đến yêu thích của du khách thập phương khi đến với Mỹ Hòa Hưng. Ngồi chùa nhỏ, có bài kinh giảng về luật nhân quả in trên vách chùa. Đường vào Bửu Long Cổ Tự là ruộng mè, ruộng ngô trải dài, khung cảnh rất thân thương và thanh bình.
Hàng năm, lễ giỗ ông Hổ được tổ chức đều đặn vào ngày 28-10 âm lịch, thu hút đông đảo người dân cũng như du khách thập phương. Tham gia lễ hội, ai nấy cũng thành tâm mong một cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu, không xảy ra dịch bệnh…
1.3.3. Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Du lịch cù lao Mỹ Hòa Hưng sông Hậu, nhất định bạn phải ghé thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng – Chủ tịch nước đầu tiên của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ông từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi là vị lãnh đạo kiệt xuất, hết lòng vì nước vì dân. Khu lưu niệm này được xây dựng tại nơi Bác Tôn đã sinh ra và trưởng thành.
Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng rộng khoảng 3.102m2, không gian thoáng mát, đặc trưng của mảnh đất Nam bộ. Ngôi nhà sàn mộc mạc, không chạm trổ cầu kỳ, là nơi bác Tôn sinh ra vào năm 1888 và sống thời niên thiếu trước khi vào Sài Gòn. Trong nhà sàn vẫn còn lưu giữ 12 hiện vật gốc được nhà họ Tôn sử dụng như bộ ngựa gõ, tủ thờ, bộ bàn ghế tiếp khách, đỉnh trầm, tủ áo…
Khu mộ chí nằm trong vườn cây là nơi an nghỉ cuối cùng của thân sinh bác Tôn và vợ chồng người em trai thứ tư của Bác Tôn là bác Tôn Đức Nhung. Ngoài ra trong khu di tích còn có đền tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, quảng trời bên bờ sông Hậu, nhà làm việc của bác Tôn, Máy bay YAK-40 số 452… Đến năm 2012, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
1.3.4. Chùa Hưng Long
Chùa Hưng Long còn được gọi với cái tên chùa Dơi, ở ấp Mỹ An 1, trên cù lao Mỹ Hòa Hưng sông Hậu. Chùa được xây dựng cách đây 200 năm, nằm ở cuối con rạch nhỏ, không khí rất thanh tịnh và yên bình.
Rất nhiều năm qua, tại chùa Hưng Long tập trung nhiều dơi quạ trú ngụ ở các tán cây cổ thụ. Chẳng ai rõ chúng từ đâu bay đến nhưng cứ độ tháng 5 âm lịch sẽ có hàng trăm con hội tụ ở đây rồi cuối năm lại bay đi. Xung quanh chùa có nhiều cây cối cao lớn, lâu năm, cảnh quan dễ chịu, mát mẻ, là điểm dừng chân để bạn chiêm bái và thư giãn.
1.3.5. Nhà cổ
Hiện, cù lao Mỹ Hòa Hưng còn khá nhiều căn nhà cổ hàng trăm tuổi, được bảo toàn nguyên vẹn. Nhà cổ ở đây có 2 dạng phổ biến là nhà tường và sàn gỗ. Tuy nhiên, nhà cổ loại nhà tường xuống cấp phần nhiều do không có ai chăm nom, bởi vậy, bạn có thể thăm quan nhà sàn gỗ khi tới cù lao Mỹ Hòa Hưng sông Hậu.
Căn nhà lâu đời nhất trên cù lao giữa sông Hậu là nhà của ông Nguyễn Hữu Chí dựng năm 1851. Ông từ là giảng viên Đại học Cần Thơ. Trải qua 166 năm nhưng căn nhà vẫn còn gần như nguyên vẹn, không hề bị mối mọt. Căn nhà có 3 gian, 2 chái, cột nhà dựng từ thân căm xe, cà chít còn ván và đòn tay làm từ gỗ thao lao. Trong căn nhà cổ có bộ tủ thờ tinh xảo, từng được trả giá vài trăm triệu đồng nhưng ông Chí không bán.
Cách nhà ông Nguyễn Hữu Chí vài căn là nhà của bà Nguyễn Thị Bảy và ông Nguyễn Hữu Tân, cũng đã hơn 80 tuổi. Đây cũng là những căn nhà cổ rất đáng thăm quan trong chuyến du lịch cù lao giữa sông Hậu của bạn.
1.3.6. Các vườn cây trĩu quả, trải nghiệm cuộc sống người dân
Càng vào sâu trong cù lao, vườn cây ăn quả xum xuê, đề huề càng hiện ra rõ nét, nào là sầu riêng, rồi cam, bưởi…, còn có các loại rau màu xanh mướt mắt như hành lá, rau thơm… Đây thực sự là thiên đường cho những ai thích hoa quả, thích lối sống healthy. Dọc tuyến đường làng cũng bày bán nhiều loại bánh đặc sản quê hương, bánh tráng, chuối, mía… hay những món quà quê đầy dân dã.
Ngoài ra, việc lưu trú tại homestay, trải nghiệm cuộc sống người dân cũng là hoạt động thu hút nhiều bạn trẻ. Bạn có thể tham gia câu rắn mối, vò lá sâm, câu cá, nướng bánh kẹp, tát mương bắt cá, hái sơ ri, hái táo, bẻ ấu, mò óc, trồng rau… cùng người nông dân tại cù lao Mỹ Hòa Hưng sông Hậu.
2. Các điểm du lịch khác của An Giang
2.1. Chợ nổi Long Xuyên
Địa chỉ: Số 22, Ngô Thời Nhậm, Phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên, Tỉnh An Giang
Quả thực nếu du lịch An Giang mà bỏ qua việc ghé thăm chợ nổi Long Xuyên nức tiếng thì quả là thiếu sót. Chợ nổi này được hình thành từ rất lâu và vẫn tồn tại đến ngày nay, trở thành một nét văn hóa hấp dẫn của miền Tây sông nước.
Điểm đầu của chợ nổi Long Xuyên từ phà Ô Môi, chạy dài theo sông Hậu tầm 2km. Bạn sẽ đi ghe máy để có thể thăm quan hết ngõ ngách của con chợ này. Thời gian lý tưởng để khám phá chợ nổi Long Xuyên là sáng sớm, tầm 5 giờ. Lúc này, hàng trăm con xuồng, ghe neo đậu bày bán đủ mọi mặt hàng từ hoa quả, đồ gia dụng tới đồ ăn sáng… Khách du lịch có thể thưởng thức bún cá, bún riêu, bánh tằm xong rồi nhâm nhi một ly cà phê nóng hổi ngay khi đang lênh đênh trên sông nước. Cách cù lao Mỹ Hòa Hưng sông Hậu không xa, chợ nổi Long Xuyên chắc chắn là điểm đến không thể bỏ qua cho du khách.
2.2. Rừng tràm Trà Sư
Rừng tràm Trà Sư rộng gần 850 ha, ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên. Không chỉ có vai trò điều hòa khí hậu, đây còn là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật quý cũng như là điểm du lịch An Giang tiêu biểu.
Để khám phá rừng tràm Trà Sư, bạn đi thuyền do người dân địa phương chèo, đến những đoạn yêu thích có thể yêu cầu họ dừng lại để tận hưởng hoặc chụp ảnh. Mùa nước nổi từ tháng 9 đến tháng 11 là thời điểm lý tưởng nhất để khám phá vẻ đẹp rừng tràm này. Vé thăm quan bắt buộc vào Trà Sư là 100.000 đồng/người, vé thuyền sẽ là 50.000 đồng/người.
Trên đây là thông tin về Cù lao Mỹ Hòa Hưng sông Hậu cho bạn và gia đình tham khảo. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến