Vì sao sách giả, sách lậu vẫn tràn lan?

Món lợi siêu khủng từ sách giả

Nhiều năm qua, vấn nạn sản xuất và buôn bán sách lậu, sách giả vẫn luôn là một câu chuyện nhức nhối, không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các đơn vị xuất bản và phát hành mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tác giả của các tổ chức, cá nhân.

Để ngăn chặn vấn nạn này, lực lượng chức năng đã khám phá và xử lý nhiều đường dây sản xuất, buôn bán sách giả, nhiều đối tượng đã bị xử lý hình sự, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn không ít cá nhân, tổ chức bất chấp pháp luật để theo đuổi con đường “làm ăn gian trá” này. Vậy, điều gì đã khiến sách giả, sách lậu có sức hấp dẫn lớn đến như vậy?

Vì sao sách giả, sách lậu vẫn tràn lan?- Ảnh 1.

Tháng 7/2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang tiến hành kiểm tra, phát hiện và thu giữ gần 80.000 quyển sách giáo khoa các loại từ lớp 1 đến lớp 12 có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Câu trả lời đến từ món lợi nhuận cực khủng đến từ thị trường ngầm chuyên “bán giấy ăn tiền”. Với nhà xuất bản, muốn ra một cuốn sách phải trải qua rất nhiều khâu nghiêm ngặt của quy trình xuất bản song với sách lậu thì chỉ là tiền giấy và công in (thường chiếm 10 – 20% giá bìa).

Sách giả không phải tổ chức bản thảo, không phải biên tập, thiết kế, hoàn thiện bản mẫu, trình thẩm định, không phải trả nhuận bút, không phải tổ chức tập huấn giới thiệu…chỉ cần dùng công nghệ cao để scan bản mẫu in ấn lại và tìm cách lưu thông trên thị trường.

Chưa kể, sách lậu thường có chất lượng không ổn định do công nghệ in ấn thấp, sao chép thủ công, nguyên liệu giấy không bảo đảm. Vì thế, sách giả, sách lậu thường được bán với giá thấp hơn nhiều so với giá in trên bìa và giá của sách thật. Lợi nhuận thu được từ sách giả, sách lậu lại rất lớn, nhất là từ khi mạng xã hội và thương mại điện tử phát triển.

Tìm hiểu thêm:  Một trường học ở Tp.HCM chi gần 2 tỷ đồng thưởng Tết cho giáo viên

Đó cũng là lý do vì sao chỉ trong một số dịp đặc biệt, các nhà phát hành sách chính thống mới giảm giá (thông thường từ 10% đến 20%) thì nhiều loại sách giả, sách lậu chạy quảng cáo “đại hạ giá” lên đến 50%, thậm chí 70%, quanh năm suốt tháng.

Với mức lợi nhuận khủng, các đối tượng làm sách giả cũng sử dụng nhiều thủ đoạn để thâm nhập vào thị trường, nhất là ở môi trường số. Ngoài việc bán giá rẻ, các đối tượng buôn bán sách giả, sách lậu còn dùng chiêu trò đăng ảnh sách “thật” thu hút độc giả, nhưng “thật” hay “giả” thì chỉ đến khi nhận hàng, người tiêu dùng mới biết được.

Hoạt động in lậu, in giả, in nối bản sách trái phép diễn ra với quy mô lớn, có tính chất ngày càng phức tạp. Đáng chú ý, hiện trong số các sản phẩm làm giả, làm nhái có cả ấn phẩm phục vụ dạy học trong nhà trường phổ thông như sách giáo khoa, sách bổ trợ, các loại sách tham khảo, bản đồ – tranh ảnh giáo dục, đĩa CD nghe nhìn giáo dục…

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) – đơn vị bị in và tiêu thụ lậu đứng đầu ngành xuất bản về cả số lượng, địa bàn và mức độ thiệt hại – nếu như cách đây 15 – 20 năm, công nghệ sản xuất sách lậu còn khá thủ công, lạc hậu thì nay đã tiến bộ đáng kể.

Trước kia, muốn ra một cuốn sách thì ngoài máy in, đầu nậu phải có chế bản điện tử hoặc bản in phim… Muốn có chế bản điện tử thì thường phải dùng máy scan, hoặc dùng phần mềm chuyển đổi lại bản chụp các trang sách; công phu hơn thì gõ lại bằng tay. Do công nghệ còn lạc hậu nên sách in lậu trước đây thường bị nhòe, mờ; nhìn kỹ thấy có răng cưa ở chữ… Hiện nay, máy scan độ nét cao dễ dàng cho ra các bản in đạt cỡ “một chín một mười” so với bản in thật.

Tìm hiểu thêm:  Không thể tiếp tay cho sách giả, sách lậu tung hoành
Vì sao sách giả, sách lậu vẫn tràn lan?- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Bên cạnh đó, để tránh bị phát hiện, đầu nậu thường tách các công đoạn chế bản, in ruột, làm bìa, đóng sách thành nhiều khâu riêng biệt. Và kho hàng cũng ở một địa điểm bí mật, không ai biết ngoài chủ xưởng. Từ đó, sách giả, sách lậu cứ thế “ngang nhiên” xâm nhập thị trường.

Cần có chế tài đủ mạnh

Thực trạng sách giả, sách lậu đang để lại nhiều hệ lụy, làm mất “uy tín” của đơn vị nhà xuất bản (ghi trên bìa sách) và trực tiếp ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, nhà xuất bản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo quy định của pháp luật thì hành vi copy, in, phát hành sách mà không được sự cho phép của tác giả là vi phạm Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về những hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Ngoài hành vi vi phạm quy định về xuất bản thì hành vi in lậu còn có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Cùng với đó, hiện nay Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản đã xác định rõ những hành vi in lậu và chế tài xử lý.

Cụ thể trong Điều 28 quy định mức xử phạt vi phạm ở các mức từ phạt tiền thấp nhất là 3 triệu đồng và cao nhất là 200 triệu đồng tùy mức độ, tính chất sự việc. Ngoài ra, trong Nghị định quy định hình thức xử phạt bổ sung, như: Tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động in từ 1 đến 6 tháng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng Biên tập NXBGDVN cho rằng các khung xử phạt và hình phạt vẫn còn chưa tương xứng với lợi nhuận mà hoạt động in ấn buôn bán sách giả mang lại.

Tìm hiểu thêm:  Thêm nhiều trường đại học công bố lịch nghỉ Tết Nguyên đán, dài nhất lên tới gần 2 tháng

“Sách là sản phẩm trí tuệ, có giá trị rất lớn về mặt kiến thức, văn hóa và gắn liền với quyền tác giả, quyền liên quan. Do đó hành vi in và bán sách lậu cần được nghiên cứu bổ sung các hình thức xử lý hình sự để bảo đảm tính răn đe, thay vì chủ yếu là xử lý hành chính. Với lợi nhuận thu được từ việc in ấn, buôn bán sách giả, sách lậu thì mức xử phạt hành chính như hiện nay chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”, nhiều đối tượng sau khi nộp phạt lại tiếp tục vi phạm”, ông Tùng phân tích.

Vì sao sách giả, sách lậu vẫn tràn lan?- Ảnh 3.

Sách giả, sách lậu đang để lại nhiều hệ lụy.

Để bảo vệ sản phẩm, uy tín của mình, nhiều nhà xuất bản đã sử dụng tem chống hàng giả công nghệ, sử dụng mã QR trên sách… Tuy nhiên, ngành xuất bản có sử dụng công nghệ chống hàng giả nào thì các đối tượng in ấn, buôn bán sách giả, sách lậu cũng sẽ tìm cách làm giả tương ứng. Chính vì vậy, để có thể ngăn chặn nạn sách giả, sách lậu thì phải có hành lang pháp lý chặt chẽ, nghiêm khắc liên quan đến lĩnh vực xuất bản. Trước hết cần kiểm soát chặt chẽ từ khâu cấp phép in ấn đến kiểm tra, phát hành.

  • Công ty sách kiện sàn thương mại điện tử vì tiếp tay tiêu thụ sách giả: Cuộc chiến pháp lý vô tiền khoáng hậu

  • “Đột kích” cơ sở gia công, thu giữ hàng tấn sách giả nguồn gốc NXB Giáo dục Việt Nam

Bên cạnh đó, phải gắn chặt trách nhiệm của địa phương với việc quản lý, phát hiện và xử lý hành vi in, phát hành sách lậu, sách giả. Ở đâu có xưởng in sách lậu, sách giả thì cần xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương.

“Thời gian tới, bên cạnh các biện pháp kỹ thuật của các nhà xuất bản, chúng tôi mong rằng các cơ quan chức năng sẽ tăng cường áp dụng mức xử phạt và hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi sản xuất, phân phối và tiêu thụ sách lậu, sách giả. Bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng công an, quản lí thị trường, cần sự vào cuộc, hỗ trợ và đẩy mạnh truyền thông từ phía các cơ quan thông tấn, báo chí để nâng cao ý thức người tiêu dùng”, Phó Tổng Biên tập NXBGDVN nhấn mạnh.

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x