Xếp hàng để thưởng thức đồ ăn, thức uống đã trở thành một hình ảnh quen thuộc trong nhịp sống hiện đại. Chẳng cần chờ đến một chiều cuối tuần dạo chơi phố xá, chỉ cần lướt qua mạng xã hội vài phút, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những bức ảnh ghi lại cảnh dòng người kiên nhẫn đứng chờ trước các quán trà sữa, tiệm bánh ngọt hay quán cà phê mới khai trương. Từ các thương hiệu mới nổi cho đến những cái tên quen thuộc, ai cũng biết cách tạo nên “cơn sốt” khiến không ít người sẵn sàng dành hàng giờ đồng hồ để sở hữu những món đồ “hot trend”. Nhưng liệu những trải nghiệm đó có thực sự đáng giá, hay chỉ là một cuộc đua vô tận để thỏa mãn nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO)?
Bông Biêng: Khách chờ 2 tiếng mới mua được ly trà sữa hương hoa để check-in
Xuất hiện như một hiện tượng, Bông Biêng đã thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng yêu trà sữa Hà Nội ngay khi vừa khai trương. Với thiết kế cửa hàng mang phong cách thanh lịch, gam màu xanh pastel nhẹ nhàng và logo 4 bông hoa đối xứng, thương hiệu này nhanh chóng trở thành địa điểm check-in yêu thích. Sản phẩm chủ đạo với trà sữa hương hoa được giới trẻ truyền tai nhau là đẹp và thơm nên càng thu hút hàng dài khách, thậm chí có những người chẳng ngần ngại xếp hàng chờ tới 2 tiếng để sở hữu một ly. Không chỉ có hương vị khiến dân tình bàn luận mà ly trà sữa của Bông Biêng còn được đánh giá cao về tính thẩm mỹ, dễ dàng trở thành “đạo cụ” hoàn hảo cho các bức ảnh sống ảo.
Ảnh: Huyền Trang
Tuy nhiên, nhiều khách hàng lại cho rằng chất lượng của đồ uống chưa thực sự vượt trội so với giá thành và thời gian chờ đợi. Một số ý kiến cho rằng hương vị chỉ dừng lại ở mức “lạ miệng” chứ chưa thực sự “đậm đà”.
Lịm Donuts: Xếp hàng cả cây số nhưng vẫn về tay không vì hết bánh
Không hề kém cạnh những “cơn sốt” ẩm thực khác, Lịm Donut tiếp tục tạo nên hiện tượng khi khai trương cơ sở thứ hai tại Hà Nội. Với không gian rộng rãi, thiết kế hiện đại và phong cách trẻ trung, thương hiệu này nhanh chóng thu hút lượng lớn thực khách đổ về trải nghiệm. Tuy nhiên, sự háo hức của nhiều người nhanh chóng chuyển thành thất vọng khi phải xếp hàng dài gần 1km nhưng cuối cùng lại ra về tay không vì cửa hàng không thông báo rõ ràng thời gian bánh được phục vụ. Dù vậy, điều này không làm giảm sức hút của Lịm. Với nhiều tín đồ ăn uống, việc sở hữu một chiếc donut “chuẩn trend” vẫn đáng để đánh đổi, ngay cả khi phải trả giá bằng sự kiên nhẫn và thời gian.
Ảnh: @Lịm Donuts Hanoi, @Nguyễn Phương Linh
Katinat Coffee & Tea House: Chấp nhận chờ hàng giờ để săn ly “trendy” hơn là thưởng thức đồ uống?
Katinat Coffee & Tea House đang trở thành tâm điểm chú ý trong cộng đồng giới trẻ, không chỉ nhờ chuỗi cửa hàng xuất hiện ở những vị trí đắc địa, mà còn bởi các sản phẩm merchandise độc đáo. Gần đây, phiên bản Ly Hồng Sapphire đã gây sốt với thiết kế nổi bật mang sắc hồng neon rực rỡ cùng lớp phủ lấp lánh, tạo nên vẻ ngoài cuốn hút và đầy không khí lễ hội. Không ít bạn trẻ sẵn sàng chờ đợi hàng giờ chỉ để sở hữu chiếc ly “trendy” này.
Điểm nhấn chính của Ly Hồng Sapphire nằm ở phong cách trẻ trung, gợi cảm hứng từ xu hướng “Barbie”, vừa tinh nghịch vừa sáng tạo. Chiếc ly không chỉ là một phụ kiện uống nước mà còn được tận dụng làm vật trang trí độc đáo như hộp đựng bút, chậu cây mini, hoặc điểm nhấn cho cây thông Giáng sinh. Tuy nhiên, bên cạnh cơn sốt săn lùng chiếc ly, nhiều thực khách nhận xét rằng đồ uống của Katinat không có sự đột phá đáng kể, khiến họ tự hỏi liệu việc chen chúc để sở hữu sản phẩm này có thực sự xứng đáng. Dẫu vậy, không thể phủ nhận sức hút của Katinat trong việc tạo nên những “trend” mạnh mẽ qua các sản phẩm phụ kiện độc lạ, góp phần củng cố vị thế của thương hiệu trong lòng giới trẻ Việt.
Ảnh: Katinat Coffee & Tea House
Có thể thấy việc xếp hàng để mua các món đồ “hot trend” ngày nay không chỉ là chuyện mua sắm đơn thuần mà đã trở thành một phần trong lối sống của giới trẻ. Nhiều người tham gia chỉ vì tò mò, muốn thử xem sản phẩm hay địa điểm có gì đặc biệt. Một số khác coi đây là cách để gây chú ý trên mạng xã hội, tạo nội dung thu hút sự quan tâm của người xem. Việc này đôi khi trở thành cơ hội để nhiều người kiếm tiền từ lượt xem hoặc xây dựng hình ảnh cá nhân. Tuy vậy, không ít người lại bị cuốn vào vòng xoáy của việc “đu trend”, luôn cảm thấy phải chạy theo xu hướng để không bị lạc hậu, bất chấp giá trị thực của những thứ họ sở hữu có thực sự cần thiết hay không.
Bên cạnh đó, việc khách sẵn sàng xếp hàng cũng là một trong những yếu tố nói lên bước thành công ban đầu của thương hiệu trong việc kết nối với khách hàng. Những sản phẩm được thiết kế ấn tượng, mới lạ hoặc có tính thời điểm, như phiên bản giới hạn hay liên quan đến dịp lễ hội, thường tạo động lực lớn để khách hàng sẵn sàng dành thời gian chờ đợi. Đây cũng là cách để các thương hiệu xây dựng mối liên kết cảm xúc với khách hàng, khiến họ cảm thấy việc sở hữu sản phẩm mang một giá trị đặc biệt hơn. Dù dưới góc độ nào, điều này vẫn cho thấy một khía cạnh thú vị của đời sống tiêu dùng ngày nay, khi giá trị của sản phẩm không chỉ nằm ở công năng mà còn ở ý nghĩa và trải nghiệm đi kèm.