Cô A bước vào văn phòng lúc 7h, chụp hình ly cà phê trên bàn làm việc khi công ty không một bóng người cho bài đăng nóng hổi trên Facebook: “Bắt đầu một buổi sáng bận rộn”. Đồng nghiệp thường nghe cô thở dài giữa chốn đông người, “Bao nhiêu là việc, công việc chẳng bao giờ hết được cả”. Cô ăn trưa tại bàn làm việc lúc 13h và than phiền mình không thể nghỉ phép bởi vì công việc thiếu cô. 22h, người ta còn thấy cô đăng video văn phòng không bóng người trên TikTok để kết thúc “một ngày làm việc bận rộn”.
Chỗ bạn làm có đồng nghiệp thích “phông bạt” sự căng thẳng, tỏ ra bận rộn trong công việc, tức stress bragging hay busy bragging như cô A không? Tình trạng khoe bận khoe mệt này xuất hiện mạnh mẽ hơn sau đại dịch COVID, khi con người ta ít gặp mặt nhau, chúng ta gặp khó khăn trong việc chứng tỏ bản thân, lo lắng bị xem thường, hay sợ hãi trở thành “người được chọn” mỗi đợt sa thải.
Viết trên Psychology Today hồi tháng 10, tiến sĩ Llewellyn E. van Zyl, giáo sư tâm lý học tích cực Đại học North-West (Nam Phi), cho rằng nếu ai đó cố tình biểu diễn sự bận rộn và căng thẳng của họ gặp phải trong công việc, có thể điều họ cần không phải sự thông cảm, mà là sự công nhận tầm quan trọng tại nơi làm việc.
Đáng buồn thay, theo báo cáo năm 2023 của công ty phân tích lực lượng lao động Visier, 83% người tham gia cho biết họ đã cố tình thể hiện mình đang làm việc trong 12 tháng gần nhất, trong khi 43% thừa nhận đã dành hơn 10 giờ mỗi tuần cho việc này. Visier mô tả các nhân viên này là diễn viên trong “nhà hát năng suất”.
Chuyện “diễn xuất” là các hành vi như tham gia những buổi họp dài đằng đẵng nhiều hơn cần thiết, ngồi lại công ty sau giờ làm dù đã hết việc, cố gắng trả lời email nhanh nhất có thể thay vì tập trung vào những dự án quan trọng, để màn hình sáng đèn dù không ngồi ở đó.
Những tưởng lãng phí thời gian như vậy sẽ gia tăng giá trị của bản thân, rằng ta là nhân viên mẫn cán, nhưng nghiên cứu thực hiện tại Mỹ của Trường kinh doanh Terry Đại học Georgia lại cho thấy điều ngược lại.
Trong phần đầu của nghiên cứu, 360 người tham gia được yêu cầu tưởng tượng và đánh giá một đồng nghiệp, sau khi người này được công nhận là một trong những người có thành tích cao nhất của năm trước. Kết quả đăng trên tạp chí Personnel Psychology hồi tháng 3 cho thấy người hay khoe khoang về sự bận rộn, căng thẳng của mình sẽ bị đánh giá năng lực kém hơn và ít được yêu mến hơn so với những người chỉ thảo luận về sự bận rộn của họ, thậm chí còn ít hơn cả những người hay tự đề cao bản thân.
218 người khác được hỏi về trải nghiệm của họ với những người thường xuyên “tỏ ra bận rộn” và sự ảnh hưởng lên sức khỏe tinh thần. Theo đó, những đồng nghiệp phải gánh chịu những lời khoe này có thể cảm thấy kiệt sức hơn do hiệu ứng lan tỏa. Nói gọn là, “diễn xuất” bận rộn này vừa khiến người khác mệt mỏi, vừa khiến mình khó ưa và khó nhờ cậy đồng nghiệp hơn, một chuyên gia tâm lý ở Singapore đúc kết kết quả nghiên cứu với báo The Straits Times.
Thậm chí, theo một nghiên cứu khác của Hiệp hội tâm lý học Mỹ (APA), những “diễn viên” kỳ cựu này còn gây hại cho bản thân khi có các triệu chứng kiệt sức hơn người khác 2,5 lần. Mà thực tế cho thấy chẳng mấy ai thích thú gì chuyện phải nghe một đồng nghiệp than vãn cả tiếng đồng hồ về việc anh ta bận rộn như thế nào, hay một vị sếp “trông rất bận rộn” dành cả tuần họp hành mà chẳng buồn phản hồi về công việc ta đã trình bày…
Khi biết rằng “đam mê diễn xuất” này chỉ trăm đường hại mà chẳng có lợi lộc gì cho người lao động, bộ phận nhân sự của các công ty cần vào cuộc. Theo chuyên trang HRWorld của tờ The Economic Times (Ấn Độ), một trong những bước đầu tiên là nhấn mạnh vào văn hóa công ty, truyền tải thông điệp rõ ràng cho nhân viên: điều quan trọng là năng suất, chứ không phải số tiếng làm việc trên văn phòng.
Thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo cung cấp thông tin về cách quản lý công việc, thời gian, giảm căng thẳng. Tạo cơ hội cho người lao động được nêu lên tiếng nói khi gặp khó khăn, để đồng nghiệp, quản lý có thể hỗ trợ kịp thời. Và thay vì đặt lịch cho những buổi họp không cần thiết, hãy dành thời gian tập trung giải quyết công việc hay suy nghĩ giải pháp.
Nói cho cùng, mọi người phải ra vẻ bận rộn cũng chỉ vì cần cảm giác thành tựu hay sự vững chắc trong sự nghiệp. Chỉ cần sự bận rộn không còn được xem như một bông hồng trên phiếu bé ngoan, nhân viên sẽ tự khắc ngừng thể hiện và tập trung cho công việc của họ. Ai mà chẳng muốn làm việc đạt hiệu quả cao, lương thưởng đầy đủ mà vẫn có thời gian cho gia đình và bản thân?