Trà xanh từ lâu đã được biết đến với nhiều lợi ích cho sức khỏe, và sức khỏe thận cũng không ngoại lệ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng trà xanh chứa nhiều polyphenol, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, có khả năng ngăn chặn sự gia tăng axit uric trong máu – một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh thận mạn tính. Đặc biệt, polyphenol còn hỗ trợ ngăn ngừa sự tiến triển của các vấn đề về thận.
Trong số các thành phần của trà xanh, Epigallocatechin gallate (EGCG) nổi bật như một chất chống oxy hóa mạnh mẽ. EGCG không chỉ giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận mà còn giảm viêm nhiễm và sự chết tế bào, từ đó góp phần ngăn chặn sự tiến triển của bệnh thận và được xem là một phương pháp tiềm năng trong phòng chống ung thư.
Một nghiên cứu khác cho thấy sự kết hợp giữa chiết xuất trà xanh và canxi oxalate có thể tạo ra các tinh thể phẳng hơn, hạn chế sự kết tụ của chúng trong thận, qua đó ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận và làm cho sỏi hiện có trở nên mềm và dễ vỡ hơn.
Đối với bệnh nhân đang điều trị thay thế thận, việc sử dụng trà xanh không chứa caffeine có thể mang lại lợi ích đáng kể. Viên nang trà xanh giúp giảm viêm nhiễm và stress oxy hóa, đồng thời tác động tích cực đến quá trình lọc máu và cải thiện các chỉ số quan trọng như nitrogen ure trong máu, axit uric và bài tiết glucose.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc tiêu thụ quá nhiều trà xanh (khoảng 7-8 tách mỗi ngày) có thể gây hại cho thận do hàm lượng caffeine. Caffeine có thể làm giảm chức năng thận, đặc biệt ở những người đã có vấn đề về thận. Uống quá nhiều trà xanh cũng có thể làm giảm enzym chống oxy hóa và tạo ra protein sốc nhiệt do độc tính của polyphenol trong trà. Do đó, cần uống trà xanh một cách điều độ.
Những người có huyết áp cao cũng nên hạn chế uống trà xanh do caffeine có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận, suy giảm chức năng thận và dẫn đến tăng huyết áp đột ngột.
Ngoài ra, một số thói quen uống trà xanh không đúng cách có thể gây hại cho thận. Dưới đây là 4 thói quen cần tránh:
Uống quá nhiều trà
Trong trà có nhiều florua (một hợp chất dinh dưỡng), uống quá nhiều có thể gây hại cho thận. Vì thận là cơ quan bài tiết chính florua nên khi hấp thụ quá nhiều sẽ vượt quá khả năng bài tiết của thận, florua sẽ tích tụ trong cơ thể và hàm lượng chất này trong thận sẽ tăng lên đáng kể.
Florua tồn dư trong thận quá nhiều sẽ gây tổn thương cho thận và ống tủy thận. Do đó, chúng ta cần uống trà có chừng mực để không gây phản tác dụng.
Uống trà xanh sau khi uống rượu
Một số người tin rằng uống trà sau khi uống rượu có thể giúp “tỉnh rượu,” nhưng thực tế, điều này có thể làm tăng áp lực lên thận. Trà xanh có tác dụng lợi tiểu, và khi kết hợp với rượu, nó có thể kích thích hệ bài tiết đào thải cả rượu và nước trà cùng một lúc, tạo áp lực đáng kể cho thận.
Uống trà khi bụng đói
Một số người uống trà thay cho nước lọc, đặc biệt là uống khi bụng đói, để làm dịu cơn khát và cơn đói. Nhưng trong nước trà xanh chứa một chất gọi là Fluorine, có chứa độc tính nhất định. Uống trà xanh khi đói sẽ cản trở quá trình tiêu hóa.
Khi những chất này đi vào thận, làm gia tăng gánh nặng cho thận, đồng thời gây khó chịu cho dạ dày, dẫn tới một số triệu chứng như mờ mắt, say trà.
Uống trà quá đậm
Trà rất giàu axit oxalic (một loại axit hữu cơ), thường xuyên uống trà đặc có thể dẫn đến tình trạng trong nước tiểu có nồng độ oxalat quá cao. Việc này dễ hình thành sỏi canxi oxalat trong đường tiết niệu và gây sỏi thận.
Uống trà đặc sẽ làm tăng tải cho thận và khiến chúng ta đi tiểu thường xuyên, điều này sẽ làm tăng gánh nặng cho thận và gây hại cho thận.